Doanh nghiệp ‘khát’ vốn, ngân hàng mong được nới thêm room tín dụng

Sau hơn 2 năm COVID-19 hoành hành, nhu cầu vốn của nhiều doanh nghiệp giống như “cơn khát nước sau trận hạn hán” tăng lên nhanh. Với "room" tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ, nên nhiều ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nâng hạn mức tín dụng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo NHNN cho biết, rất thấu hiểu nhu cầu nới room tín dụng của các ngân hàng thương mại và cam kết sẽ tính toán lượng vốn bơm ra nền kinh tế một cách hợp lý. Ảnh: SeABank.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng Vietcombank tăng trưởng trên 9%. Trong khi đó, dư nợ cho vay các đối tượng được hỗ trợ lãi suất chiếm gần 30% tổng dư nợ ngân hàng với gần 30.000 khách khàng.

“Bắt đầu từ quý 4/2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng rất mạnh, đặc biệt các khách hàng tốt. Trong khi đó, room tín dụng 10% năm 2022 là không thể đáp ứng. Rất mong NHNN nới room tín dụng cho BIDV và các tổ chức tín dụng khác để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% hiệu quả", ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV đề xuất.

Đề cập về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN, lãnh đạo VietinBank nhận định: Với chương trình hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp và hộ kinh doanh của Chính phủ, nhu cầu tín dụng của khách hàng dự kiến tăng mạnh trong khi room tăng trưởng của VietinBank đang khá eo hẹp. VietinBank đề xuất NHNN nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ có thể có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng, có thể loại trừ các khoản cho vay ưu đãi này ra khỏi cách tính room tín dụng.

Theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB, nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại. Đề nghị NHNN nới thêm room tín dụng để có thể áp dụng các chương trình ưu đãi lãi suất 2% hiệu quả. “Đầu năm nay, MB đã được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% nhưng đến cuối tháng 3/2022 đã sử dụng gần hết và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Năm 2022, MB phân đấu tăng trưởng tín dụng 16 - 20% (tùy thuộc vào sự phân bổ của NHNN) và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Năm ngoái, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng này cũng đạt 25%”, bà Phạm Thị Trung Hà cho biết. 

"Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng là có thực. Do đó, NHNN cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room", ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề xuất.

Tính đến ngày 20/5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,66%, còn tính tới 27/5 ước tăng ,75%, tăng cao hơn gấp 2 lần cũng thời diểm năm 2021. Tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không phải dồn vào một vài lĩnh vực. Thậm chí, một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua lại có mức tăng trưởng tín dụng cao: tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải tăng 8,25%, tín dụng công ngiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng trong quý I năm nay và cùng kỳ cũng nới rộng. Tăng trưởng tín dụng của MB đạt hơn 14,3% sau 3 tháng đầu năm, so với mức tăng 8,6% cùng kỳ năm trước; HDBank tăng trưởng cho vay với biên độ hơn gấp đôi; Eximbank, Sacombank, TPBank, VPBank hay SHB cũng trong tình trạng tương tự. "Điều khiến chúng tôi chú ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao chưa từng có tại các ngân hàng quốc doanh, với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn", báo cáo của SSI Research đánh giá. 

Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, dư địa tăng trưởng tín dụng đang dần hạn hẹp, áp lực lạm phát đang lớn khi giá nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa đều tăng mạnh do ảnh hưởng của xung đột, dịch bệnh. Nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới như: Mỹ, Anh, Cananda… đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát lên mức cao nhất mấy chục năm. Ở trong nước, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng trước áp lực của các yếu tố chi phí đẩy, dự báo lạm phát sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn.

Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, để kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. Việc nới room tín dụng sẽ không có nhiều tác động đến lạm phát nếu như việc điều phối của NHNN tiếp tục linh hoạt. Nới room tín dụng không phải dễ dàng với tất cả ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, khi chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt chất lượng khoản vay. Bên cạnh đó từ trước tới nay, nguyên tắc của NHNN là những ngân hàng nào không sử dụng hết room tín dụng sẽ được chuyển sang cho ngân hàng khác.

Về phía cơ quan quản lý, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy vào tình hình thực tế. “NHNN đã tính tới trường hợp nới room tăng trưởng tín dụng, khi tín dụng trong 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Minh Phương/Báo Tin tức
Không có chủ trương siết tín dụng bất động sản
Không có chủ trương siết tín dụng bất động sản

Việc một số ngân hàng thông báo tạm dừng giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS) thời gian qua để loại bỏ nhà đầu tư phụ thuộc đòn bẩy tài chính và các nhóm đầu cơ, khiến nhiều người băn khoăn. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: NHNN không có chủ trương siết tín dụng BĐS, chỉ kiểm soát chặt "rủi ro" cho vay trong lĩnh vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN