Phòng các dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát như thế nào?

Trước tình hình nhiều bệnh đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, người dân cần thực hiện những biện pháp nào để giúp mình và người thân phòng bệnh?

Chú thích ảnh
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Hiện nay nhiều dịch bệnh đang nguy cơ bùng phát, lây lan và đã có những ổ dịch bệnh phức tạp như: Sốt xuất huyết, chân tay miệng, bạch hầu... khiến người dân rất lo lắng. Để đảm bảo phòng bệnh, tránh dịch lây lan Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện tốt những biện pháp dưới đây:

Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng ngừa, người dân thực hiện các biện pháp sau phòng bệnh:

1. Mặc quần áo dài tay, ngủ phải mắc màn cả ban đêm lẫn ban ngày, tránh những nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt; có thể thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

2. Người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường tại nơi ở và xung quanh. Thực hiện đậy kín các lu, hủ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi có nơi đẻ trứng, phát triển; thường xuyên dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, thay nước bình hoa mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.

3. Có thể phun thuốc tiêu diệt muỗi trưởng thành; dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi. Nhất là khi vào mùa mưa các hộ gia đình cần xịt thuốc chống, xua đuổi muỗi, nhất là đối với trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng.

Bệnh tay chân miệng cũng chưa có vắc xin phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện các biện pháp sau để phòng dịch lây lan:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Để phòng bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
 

 

TN/Báo Tin tức
Người tiếp xúc với mầm bệnh bạch hầu được chăm sóc dự phòng như thế nào?
Người tiếp xúc với mầm bệnh bạch hầu được chăm sóc dự phòng như thế nào?

Những người trong ổ dịch bạch hầu hoặc đã có tiếp xúc với ca bệnh được uống thuốc điều trị dự phòng, giúp ngăn ngừa được biến chứng, lây lan bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN