Cẩn trọng với nhiều dịch bệnh đang vào mùa

Trong khi nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn đang cao thì nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, bạch hầu, tay chân miệng… cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, song song với việc hạn chế tụ tập nơi đông người, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, người dân cần tiêm đúng và đủ vắc xin dự phòng theo hướng dẫn của ngành y tế. 

Bệnh truyền nhiễm vào mùa

Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, những dịch bệnh xuất hiện nhiều nhất vào mùa hè thường là sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy, viêm màng não… Trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất.

Chú thích ảnh
 Tiết trời mùa hè là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm xuất hiện, trẻ em là đối tượng dễ mắc phải nhất.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có gần 27.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó các tỉnh phía Nam chiếm 70%. Tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 7.290 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Còn tại tỉnh Đồng Nai, đến hết tháng 6/2020, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc; hay tại tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm.

Theo ngành y tế, dịch sốt xuất gia tăng do hiện nay các tỉnh, thành phía Nam đang vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển và sinh sản. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết cũng chưa có vắc xin phòng bệnh và sốt xuất huyết không lây từ người sang người, bệnh chủ yếu lây qua đường muỗi đốt.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi có những triệu chứng sốt, đau cơ, nôn ói, đau bụng, da niêm xung huyết thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị bệnh. Khi phát hiện bị sốt xuất huyết, người bệnh không nên mua thuốc tại nhà vì bệnh sốt xuất huyết thường nặng khi trẻ bắt đầu hết sốt.

Bên cạnh dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh bạch hầu cũng đang gia tăng và xuất hiện nhiều ổ dịch ở các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh bạch hầu đã được ghi nhận tại 4 tỉnh, thành phố với số ca mắc tăng nhanh. Tính đến ngày 6/7, cả nước phát hiện 49 ca nhiễm bạch hầu, trong đó có 3 bệnh nhi đã tử vong. Các tỉnh có ca mắc bệnh bạch hầu gồm Kon Tum (23 ca), Gia Lai (10 ca), Đắk Nông (15 ca) và TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia y tế, hiện Việt Nam vẫn còn bệnh bạch hầu do vẫn chưa loại trừ được hoàn toàn vi khuẩn bạch hầu. Hàng năm, cả nước vẫn ghi nhận từ 20-30 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, rải rác ở một số địa phương có tỉ lệ tiêm chủng bệnh thấp. Bệnh bạch hầu nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Các bác sĩ cho rằng, số ca bạch hầu ghi nhận nhiều trong thời gian gần đây không phải do vi khuẩn bạch hầu bị biến đổi mà chủ yếu do người dân chưa tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa không đầy đủ.

Tiêm đủ vắc xin và giữ vệ sinh

Chú thích ảnh
Tiêm đúng và đủ vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa nhiều loại bệnh truyền nhiễm.

Theo ngành y tế, bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn này chủ yếu gây nhiễm trùng đường hô hấp và tạo ra độc tố ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Thời gian ủ bệnh của bệnh từ 2 - 5 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì độc tố bạch hầu có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10% ở những người dưới 5 tuổi và trên 40 tuổi tỷ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20%. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu khi phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm như chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm.

Bác sĩ Phan Bá Hiếu, Phó Chủ nhiệm phụ trách khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất hiện nay đó là tiêm phòng vắc xin cho trẻ từ khi mới sinh, sau 5 năm nhắc lại một mũi. Những người đã tiêm vắc xin bạch hầu khi tiếp xúc rất khó lây nhiễm bệnh hoặc nếu có nhiễm bệnh bạch hầu thì thường bị nhẹ.

Ngành y tế khuyến cáo, trong tình hình xuất hiện các ca bệnh bạch hầu rải rác ở một số tỉnh thành, trẻ em và người lớn có tiền sử tiêm chủng không đầy đủ, không rõ ràng cũng nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn sử dụng các vắc xin phòng bệnh bạch hầu phù hợp. Tiếp theo lịch tiêm bắt buộc, trẻ lớn hơn và người lớn được khuyến cáo tiêm nhắc bạch hầu bằng các vắc xin có thu phí khác như DaPT-IPV, DaPT, Tdap, Td.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân như sống cùng gia đình, nhân viên y tế, dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống, người chăm sóc ... dùng kháng sinh dự phòng Benzathine Penicillin hoặc Erythromycin 7 – 10 ngày để ngăn chặn sự lây lan. Song song đó là các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như vệ sinh cá nhân, vệ sinh khử khuẩn đồ dùng của bệnh nhân.

Còn đối với bệnh sốt xuất huyết, do chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi. Theo đó, người dân cần tự giác xử lý các vật chứa nước như trang bị nắp đậy không để muỗi vào đẻ trứng và thường xuyên cọ rửa thành lu, hồ, phuy chứa nước tránh để trứng muỗi bám vào thành. Không để muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng kem chống muỗi…

Với bệnh tay chân miệng, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng bệnh và bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Khi trẻ càng nhỏ thì biến chứng càng nặng. Nếu phát hiện trễ thì biến chứng nặng hơn như viêm màng não, co giật và có thể dẫn đến tử vong. Để phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng nước sạch và xà phòng, ăn thức ăn đã được nấu chín, hạn chế tiếp xúc nơi đông người... đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn hằng ngày đối với lớp học, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Kon Tum kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch bạch hầu mới phát sinh
Kon Tum kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch bạch hầu mới phát sinh

Từ đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN