Nhắc tới thịt chó, bên cạnh các dưỡng chất mà loại thực phẩm này đem lại, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt chó cũng giống các loại thực phẩm từ động vật khác như thịt bò, thịt trâu, thịt lợn, thịt gà... đều mang lại những lợi ích cho sức khỏe. Trong thịt chó có chứa các nhóm dinh dưỡng cơ bản như: Chất đạm, chất béo, canxi, sắt, các vitamin: A, B1, B2, B3...
TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Thịt chó là thực phẩm sinh năng lượng cao, trong 100g thịt chó có thể cung cấp 338 Kcal, trong khi thịt bò chỉ cung cấp 118 Kcal, thịt gà là 199 Kcal.
Theo quan niệm của Đông y, thịt chó giàu chất đạm nhưng lại có tính nhiệt, vì thế khi ăn quá nhiều thịt chó dễ gây nóng, khó tiêu, chướng bụng. Thường xuyên ăn thịt chó trong thời gian dài, cơ thể khó tiêu hóa, thận, gan làm việc không đáp ứng được nên dễ mắc các bệnh về gan như xơ gan hay suy thận, gout.
Thịt chó có thể gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe ở một số đối tượng nếu ăn nhiều như: Phụ nữ mang thai ăn thịt chó không chỉ gây khó tiêu, đầy bụng mà còn làm tăng axit uric trong máu khiến thai phụ đối mặt với nguy cơ tiền sản giật hoặc sản giật cao; đối với người bệnh gout, cao huyết áp, người bị bệnh đái tháo đường, tim mạch tuyệt đối không nên ăn thịt chó do thịt chó chứa lượng đạm cao, khiến bệnh nặng hơn bởi dư hàm lượng axit uric.
Bên cạnh đó, thịt chó không phải là món ăn thích hợp cho những người có hệ tiêu hóa kém, hay bị táo bón vì dễ làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, nếu thường xuyên ăn thịt chó sẽ làm tăng tình trạng táo bón hơn, bộ máy tiêu hóa phải làm việc quá sức do thịt chó giàu đạm, gây hại cho sức khỏe.
Cũng theo TS. Nguyễn Duy Thịnh, thịt chó có tính phức tạp hơn rất nhiều so với thịt trâu, bò… do chó là loài ăn tạp nên dễ bị nhiễm nhiều giun, sán hơn. Giun sán trong cơ thể chó có lây nhiễm sang người qua quá trình chế biến loại thực phẩm này. Vì vậy người dân cần cân nhắc khi sử dụng thịt chó làm thực phẩm.