Nhiều sản phẩm của các nhà khoa học nữ giúp phòng chống dịch COVID-19

Các nhà khoa học nữ chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 (nCoV) bằng những nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm diệt khuẩn, khẩu trang, tăng đề kháng… góp phần giúp người dân phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu phát biểu tại Hội thảo.

Trong tình hình dịch COVID-19 (nCoV) đang diễn biến phức tạp và nhu cầu sử dụng các sản phẩm phòng chống dịch tăng cao, ngày 13/2, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu các công nghệ và sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Tại Hội thảo các nhà khoa học nữ đã giới thiệu nhiều công nghệ mới, các công trình nghiên cứu cho ra các sản phẩm có ứng dụng cao trong phòng chống dịch bệnh COVD-19.

Là tác giả nghiên cứu của nhiều sản phẩm sử dụng nano bạc như: Khẩu trang sát khuẩn, nước sát khuẩn, nước súc miệng… TS. Trần Thị Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường, Viện Công nghệ môi trường cho biết: “Sử dụng nano bạc là một giải pháp khá hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh hiện nay. Nano bạc có khả năng kháng khuẩn mạnh là do bạc là nguyên tố kháng khuẩn mạnh nhất trong tự nhiên; đặc biệt khả năng kháng khuẩn còn tăng lên gấp nhiều lần ở dạng nanno, tác động ở nhiều cơ chế khác nhau nên còn giảm độ kháng kháng sinh của vi khuẩn, kể cả nấm và virus. Từ đó chúng tôi đã nghiên cứu đưa nano bạc vào các sản phẩm như: Khẩu trang, nước rửa tay khô, nước súc miệng… sẽ có tác dụng gấp nhiều lần khi sử dụng để phòng nhiễm virus, nhất là trong lúc dịch COVD-19 đang diễn biến như hiện nay”.

Chú thích ảnh
TS. Trần Thị Dung chia sẻ về nghiên cứu khẩu trang nano bạc.

Chia sẻ về sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn, theo TS. Trần Thị Dung, trong điều kiện khẩu trang y tế đang khan hiếm, khẩu trang vải chỉ là các lớp vải dệt thông thường có các lỗ đan xen nên khả năng bảo vệ không cao, việc sử dụng khẩu trang nano bạc cho hiệu quả cao trong phòng bệnh. "Loại khẩu trang này được chúng tôi thiết kế gồm hai lớp, lớp quan trọng nhất là lõi khẩu trang được chế tạo bằng nano bạc và than hoạt tính có tác dụng kháng khuẩn rất mạnh, được nhét vào giữa 2 lớp vải dệt. Bên cạnh đó, than hoạt tính còn có tác dụng hấp thụ các khí độc giúp bảo vệ đường hô hấp. Ưu điểm của khẩu trang nano bạc là có thể dùng lâu dài tới 6 tháng, trong thời kỳ dịch bệnh khi sử dụng nên giặt khẩu trang thường xuyên. Đặc biệt khi giặt người dân cần phải tháo lõi lọc ở giữa ra và phơi trong bóng tối để đảm bảo lõi lọc giữ được hiệu quả”, TS. Trần Thị Dung chia sẻ.

Bên cạnh các sản phẩm sử dụng diệt khuẩn, bảo vệ bên ngoài; nhiều nghiên cứu sản phẩm giúp tăng đề kháng, nâng cao miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi virus cũng được đưa ra giới thiệu như: Các sản phẩm chiết xuất từ rau quả tự nhiên, đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu, hành, tỏi đen…

Trình bày về đề tài nghiên cứu viên uống chiết xuất từ hành, tỏi đen, Ths. Bá Thị Châm, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Hành có tính kháng viêm cao còn rất giàu các vitamin như: A,C,B, canxi… kết hợp với tỏi đen với hàm lượng protein, hợp chất polyphenol tăng cao khi lên men trở thành siêu thực phẩm có tác dụng kháng virus rất tốt. Bên cạnh đó sản phẩm này còn giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư, tim mạch, tiểu đường… Đặc biệt khi đưa sản phẩm, các nhà khoa học cũng lựa chọn nguyên liệu tỏi Lý Sơn để có hàm lượng hoạt chất cao nhất, cho hiệu quả cao.

Cũng theo Ths. Bá Thị Châm, các sản phẩm tăng đề kháng, kháng virus có thể sử dụng hỗ trợ trong việc giúp cơ thể phòng bệnh rất tốt, nhất là trong khi dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều người lo lắng như hiện nay.

Với sự chia sẻ các đề tài, nghiên cứu, sản phẩm KHCN có thể ứng dụng trong phòng chống dịch bệnh, Hội thảo còn là cơ hội để Hội nữ trí thức Việt Nam kết nối các nhà khoa học nữ, các công trình nghiên cứu với các doanh nghiệp nhằm nâng cao tính ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đánh giá: "Các công trình, sản phẩm được giới thiệu tại Hội thảo đều có tính ứng dụng cao, một số công trình cũng đã được thương mại hoá; đặc biệt các đề tài đều có thể sử dụng vào mục đích phòng ngừa sự lây lan virus và phục vụ chế biến nông sản hiện nay. Chúng tôi mong muốn qua cuộc trao đổi, các nhà khoa học có thể nhìn nhận lại hiện trạng công nghệ các sản phẩm của mình để có hướng đưa sản phẩm ra thị trường một cách hiệu quả nhất".

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Lạm dụng khẩu trang y tế - lợi bất cập hại
Lạm dụng khẩu trang y tế - lợi bất cập hại

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, đang bộc lộ những “hệ quả phụ”. Một trong số đó là sự lạm dụng khẩu trang y tế cùng với nguy cơ phát tác virus từ chính những vật dụng phòng ngừa này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN