Cùng hành động phòng chống bệnh Alzheimer

Hơn 2.000 người tại hạt Milwaukee thuộc bang Wisconsin của Mỹ ngày 18/9 đã tham gia sự kiện thể hiện tình đoàn kết hướng tới mục tiêu chung là chấm dứt bệnh Alzheimer.

Hoạt động này là một phần của phong trào Đi bộ để chấm dứt bệnh Alzheimer (Walk to End Alzheimer's) do Hiệp hội Alzheimer Mỹ tổ chức hằng năm tại hơn 600 cộng đồng trên toàn nước Mỹ. Sự kiện đầy cảm hứng này kêu gọi những người tham gia ở mọi lứa tuổi và mọi khả năng cùng hành động trong cuộc chiến chống lại bệnh Alzheimer.  

Alzheimer là dạng phổ biến nhất (chiếm tới 70%) của hội chứng sa sút trí tuệ, chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Người bệnh có các biểu hiện như hay quên, giảm khả năng nhận thức, mất trí nhớ, lẫn lộn các sự kiện mới - cũ...  Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân thường bị tổn thương não trầm trọng và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Hiện chưa có biện pháp chữa trị hoặc liệu pháp hiệu quả đối với chứng sa sút trí tuệ này, trong khi ảnh hướng của đại dịch COVID-19 có xu hướng khiến căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu hiện nay có hơn 55 triệu người đang phải sống chung với tình trạng suy giảm trí nhớ và ước tính mỗi năm có thêm gần 10 triệu người mắc mới. Tại Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, ước tính có khoảng 6,5 triệu người trên 65 tuổi đang mắc Alzheimer và 121.499 người qua đời vì căn bệnh này vào năm 2019. Trong khi đó, tại Australia, Viện Y tế và Phúc lợi nước này cảnh báo số người trẻ bị sa sút trí tuệ đang ngày càng tăng, theo đó số người dưới 65 tuổi bị suy giảm trí nhớ sẽ tăng từ 28.000 người trong năm ngoái lên 39.000 người vào năm 2050, tương đương với mức tăng 40%.

Tổ chức Alzheimer Quốc tế (ADI) đánh giá có đến 75% số người đang phải chung sống với hội chứng sa sút trí tuệ, tương đương 41 triệu người trên toàn cầu, không được chẩn đoán bệnh. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn nữa, lên đến 90% ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi mà sự kỳ thị và thiếu nhận thức về chứng suy giảm trí nhớ là những rào cản lớn đối với công tác chẩn đoán bệnh. 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bệnh Alzheimer dường như có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Alzheimer Mỹ cho thấy não của những người tử vong vì COVID-19 bị tổn thương ở mức độ tương tự như não của những bệnh nhân mắc Alzheimer. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature cũng cho thấy những thay đổi trong não bộ do mắc COVID-19 có thể dẫn tới hoặc đẩy nhanh tình trạng sa sút trí tuệ theo tuổi tác. Hơn nữa, việc đội ngũ y, bác sĩ phải tập trung dập dịch COVID-19 còn làm trì hoãn khả năng tiếp cận các dịch vụ thăm khám và điều trị của những người bị suy giảm trí nhớ.

Giám đốc điều hành ADI Paola Barbarino cho rằng sa sút trí tuệ hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ bảy trên toàn cầu và là một trong những bệnh có chi phí điều trị cao nhất. Báo cáo của WHO cho thấy tổng chi phí xã hội toàn cầu cho bệnh suy giảm trí nhớ năm 2019 là 1.300 tỷ USD và dự báo có thể vượt quá 2.800 tỷ USD vào năm 2030 khi số người bị sa sút trí tuệ và chi phí chăm sóc họ đều tăng lên. Trong khi đó, những người chăm sóc bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ, đa số là người thân trong gia đình và bạn bè, dành trung bình 5 giờ mỗi ngày để chăm sóc họ. Điều này cho thấy tình trạng sa sút trí tuệ đã gây ra những tác động về thể chất, tâm lý, xã hội và kinh tế, không chỉ đối với người bị suy giảm trí nhớ mà còn ảnh hưởng đến người chăm sóc họ, gia đình và xã hội nói chung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tàn tật và phụ thuộc ở người cao tuổi trên toàn thế giới. 

Khi tỷ lệ người cao tuổi trong dân số ngày càng tăng ở hầu hết các quốc gia thì tỷ lệ chẩn đoán và nhu cầu điều trị bệnh Alzheimer cũng tăng lên, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. WHO ước tính số người mắc chứng sa sút trí tuệ trên thế giới sẽ tăng lên 82 triệu người vào năm 2030 và 152 triệu người, gấp gần 3 lần so với hiện nay, vào năm 2050. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng gánh nặng toàn cầu của chứng suy giảm trí nhớ sẽ ngày càng gia tăng nếu ngành y tế thế giới nói riêng và các nước trên toàn cầu nói chung không nỗ lực tập trung vào phát triển các đột phá về y tế để ngăn ngừa, làm chậm hoặc chữa khỏi bệnh Alzheimer cũng như chứng suy giảm trí nhớ.

Đánh giá được tác động nghiêm trọng của bệnh Alzheimer, ADI vào tháng 9 hằng năm đều tổ chức một chiến dịch quốc tế mang tên "Tháng Alzheimer thế giới", trong đó lấy ngày 21/9 là "Ngày Alzheimer thế giới", nhằm nâng cao hiểu biết và khuyến khích hỗ trợ, cải thiện chứng mất trí nhớ. Chủ đề của Ngày Alzheimer thế giới 2022 cũng giống như năm ngoái là "Nhận thức về chứng sa sút trí tuệ, nhận thức về bệnh Alzheimer", nhưng năm nay sẽ đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ sau chẩn đoán bệnh. 

Các nhà nghiên cứu Australia đang nỗ lực phát triển liệu pháp chữa trị bệnh Alzheimer sau khi phát hiện cách thức loại protein có tên gọi "Tau" vốn là tác nhân khiến bệnh gây tình trạng mất trí nhớ này diễn tiến nghiêm trọng hơn. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện cũng đã giải mã được công nghệ chiết xuất hoạt chất từ quả kỷ tử để phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer. Cuba phát triển thuốc NeuroEPO điều trị bệnh Alzheimer, trong đó quá trình thử nghiệm lâm sàng đã cho kết quả khả quan khi những người tham gia có chuyển biến đáng khích lệ và cải thiện đáng kể tỷ lệ suy giảm nhận thức.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với 11,9% dân số trên 60 tuổi vào năm 2019. Tỷ lệ sa sút trí tuệ thống kê được khoảng 5% dân số trên 60 tuổi và tăng dần theo độ tuổi. Để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, đầu năm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó có chứng sa sút trí tuệ, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Trần Quyên (TTXVN)
Australia tạo đột phá trong nghiên cứu về bệnh Alzheimer
Australia tạo đột phá trong nghiên cứu về bệnh Alzheimer

Các nhà nghiên cứu Australia đã phát hiện cách thức một loại protein là tác nhân khiến bệnh Alzheimer diễn tiến nghiêm trọng hơn, qua đó mang lại hy vọng về một phương pháp điều trị hiệu quả đối với căn bệnh này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN