Ngày lễ Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết Bồ tát Mục Kiền Liên, đã trải qua chín tầng địa ngục cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Một truyền thuyết cảm động, để nói lên bài học sâu sắc trong cuộc đời đó là bài học về chữ hiếu. Và sự thể hiện chữ hiếu của mỗi người, trong những ngày này đều theo nhiều cách khác nhau. Riêng tôi, lòng kính yêu cha mẹ luôn xuất phát trong trái tim mình, dù là những ngày bình thường nhất.
Trong những ngày dài miệt mài bên công việc ở thành phố, tôi thường tranh thủ về với mẹ vào dịp cuối tuần. Tôi thích vào bếp với mẹ, thích làm những món ăn dân dã, đậm đà hồn quê. Đặc biệt là vào những dịp lễ Tết, nhất là ngày lễ Vu Lan.
Sau mỗi vụ mùa thu hoạch, gạo tẻ và gạo nếp được mẹ tôi cất giữ cẩn thận vào những cái chum, vại để làm lương thực hàng ngày. Vào dịp Tết thì gạo nếp được đem ra làm vài đòn bánh tét, vài cái bánh chưng, chia cho hàng xóm mỗi người một ít để nấu xôi, gói bánh. Còn với những ngày rằm, mẹ thường đem đi xay bột để làm bánh. Đặc biệt là bánh gạo nếp, thứ bánh dễ làm, thường có mặt trong bữa các dịp lễ cúng.
Khác với những rằm tháng bảy trước, tôi thường ngồi trong bếp để xem mẹ làm bánh, hay chờ mẹ sai vặt chạy sang quán tạp hóa gần nhà để mua củ tỏi, chai mắm, gói đường, rằm tháng bảy năm nay tôi tự vào bếp chuẩn bị một mâm cơm, và làm món bánh nếp để thờ cúng tổ tiên, để làm vui lòng mẹ.
Nếp quê thơm lắm, từng hạt nếp tròn mẩy, trắng tinh được tôi mang ra cái quán đầu làng để xay bột. Cách làm bánh nếp đơn giản, ít tốn công. Đầu tiên, cho bột nếp vào một cái thau, từ từ đổ nước ấm, đổ nước không được đổ quá ít vì bột khô sẽ khó nhào, nếu nhiều thì bột sẽ bị loãng. Sau khi đổ một lượng nước cần thiết, tôi bắt đầu nhào bột.
Nhào đến khi bột thành một cục khá lớn mịn và nhuyễn tôi ngắt thành những viên bột nhỏ rồi vo tròn. Sau đó, tôi dùng cái khuôn hình hoa quả, trái tim để cho bột vào và in ra những hình thù ngộ nghĩnh khác nhau. Nhóm bếp củi, bắc một nồi nước sôi và cho đường vào đun sôi đến khi đường tan. Tiếp tục cho những chiếc bánh gạo nếp vào luộc, đun đều lửa. Bánh chín vớt ra đĩa để nguội. Đậu phộng và mè rang chín rồi giã sạch vỏ, sau đó rắc lên đĩa bánh. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn đã có được món bánh nếp đơn giản.
Sau khi tạo ra những cái bánh nếp đẹp mắt, tôi vui hơn bao giờ hết. Khi bánh làm xong, như lời mẹ dặn, tôi chọn đĩa bánh đẹp mắt nhất để lên bàn thờ tổ tiên, cùng với một số loại hoa quả tươi, bánh trái, gạo muối theo truyền thống của người Việt. Sau khi làm bánh xong, nhìn căn bếp lại gọn gàng, sạch sẽ, tôi chợt hiểu căn bếp giống như một cái nhiệt kế, dùng để đo độ hạnh phúc trong mỗi gia đình. Một gia đình hạnh phúc sẽ luôn ấm cúng, và luôn đỏ lửa. Nhìn những sợi tóc bạc của mẹ lất phất bay, tôi thoáng chút chạnh lòng khi thấy thời gian trôi nhanh quá đỗi.
Và rằm tháng bảy cứ thế nối tiếp nhau. Mỗi rằm mang một hương sắc khác nhau đi qua đời tôi. Cắn miếng bánh nếp giản dị, vị ngọt của đường, vị dẻo của bột nếp, và vị beo béo của đậu phộng, mè rang mà lòng ngổn ngang bao cảm xúc. Hạnh phúc hơn bao giờ hết là nhìn thấy mẹ cười vui vẻ, bên mâm cơm đoàn viên. Bởi trong suy nghĩ của mẹ tôi, một người đàn bà quê hiền lành, con cái là lộc trời cho, nhìn thấy con trưởng thành, nên người là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Mẹ thường dạy chúng tôi rằng, tiền bạc chỉ là phương tiện, quan trọng nhất là cái nghĩa sống ở đời. Và chúng tôi luôn làm theo lời mẹ dặn.
Ngước nhìn bông hồng đỏ thắm trên áo, lòng tôi lại trào dâng một nỗi xúc động không thể tả về người mẹ yêu quí của mình, mới thấy ý nghĩa biết bao về ngày lễ Vu Lan báo hiếu.