Mỹ đã công bố kế hoạch chi tiêu 1,3 tỉ USD để phát triển các vệ tinh tiên tiến nhằm theo dõi các loại vũ khí siêu vượt âm trong một động thái nhấn mạnh lo ngại của nước này trước các mối đe dọa siêu vượt âm từ Trung Quốc và Nga.
Thay đổi kiến trúc phòng thủ không gian của Mỹ
Theo ông Derek Tournear, Giám đốc Cơ quan Phát triển Không gian (SDA), Mỹ hiện không vận hành các vệ tinh được thiết kế để giám sát vũ khí siêu vượt âm, thậm chí năng lực theo dõi loại vũ khí này là “bằng 0”.
Tuy nhiên, ông Tournear đề cập rằng các vệ tinh mới của Mỹ sẽ cho phép phát hiện và theo dấu tên lửa siêu vượt âm, dự đoán được vị trí chúng nhắm tới và cung cấp dữ liệu cho các lực lượng đồng minh để phóng tên lửa đánh chặn.
Công ty L3Harris Technologies và Northrop Grumman Strategic Space Systems là những nhà thầu chính cho dự án. Cả hai nhà thầu quốc phòng này đều đang sản xuất 14 vệ tinh nguyên mẫu cho hệ thống Lớp Theo dõi Tranche 1, lớp này ở giai đoạn cuối cùng sẽ bao gồm hàng trăm vệ tinh trong Chòm vệ tinh quỹ đạo thấp.
Ông Tournear lưu ý rằng dự án trên đánh dấu một sự thay đổi cơ bản trong kiến trúc cảm biến phòng thủ tên lửa từ không gian của Mỹ. Các cảm biến phòng thủ tên lửa trên không gian của nước này hiện dựa vào một số ít vệ tinh lớn, đắt tiền, vận hành trên quỹ đạo từ 15 năm trở lên.
Lầu Năm Góc đặt mục tiêu thay thế kiến trúc cũ này bằng hệ thống phòng thủ hai tầng, hoạt động ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO), 1.000km, và tầm trung (MEO) từ 10.000-20.000km, sử dụng các vệ tinh rẻ hơn, được thay thế 5 năm một.
Chuyên gia trên cũng lưu ý rằng, một chùm 54 vệ tinh có khả năng sẽ được phóng sau loạt 28 chiếc đầu tiên trong hệ thống vệ tinh phòng thủ tên lửa mới của Mỹ.
Những lo ngại từ vũ khí siêu vượt âm Nga, Trung Quốc
Một nghiên cứu công bố tháng 6/2022 của Viện Mitchell (Mỹ) đã nhấn mạnh những bước tiến của Trung Quốc và Nga trong phát triển vũ khí siêu vượt âm và chống vệ tinh, đồng thời đề cập rằng các cảm biến phòng thủ không gian hiện tại của Mỹ đang thiếu năng lực phòng thủ trước những mối đe dọa này bởi chúng bị khóa ở các quỹ đạo đã được đoán trước, dễ bị tổn thương.
Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh rất tinh vi, như vệ tinh “sát thủ” trang bị công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), có khả năng thao tác đánh lừa để tóm giữ vệ tinh đối thủ, và các vũ khí năng lượng định hướng gắn trên vệ tinh như vũ khí laser, vi sóng có nhiệm vụ đốt cháy vệ tinh đối thủ.
Theo trang Space Review đưa trong tháng này, Nga cũng đang phát triển vũ khí laser chống vệ tinh đặt trên mặt đất mới, tại trung tâm giám sát không gian ở Bắc Kavkaz. Vũ khí có tên Kalina này được thiết kế để “bịt mắt” các cảm biến quang học của các vệ tinh đối phương bay qua lãnh thổ Nga.
Cũng trang tin này cho biết Nga đang phát triển các tia laser gắn trên vệ tinh nhằm đốt cháy đầu tìm kiếm của các tên lửa chống vệ tinh đang bay tới, và cũng có thể được sử dụng để tấn công các vệ tinh khác.
Trước những mối đe dọa này, nghiên cứu của Viện Mitchell khuyến nghị rằng mạng lưới cảm biến phòng thủ tên lửa trên không gian mới của Mỹ phải cung cấp cảnh báo liên tục và theo dõi chính xác các mối đe dọa tên lửa đạn đạo và siêu vượt âm, đồng thời tích hợp các biện pháp phòng thủ như vũ khí phòng thủ tích hợp có khả năng cơ động và nhử mồi.
Viện Mitchell cũng đề cập đến việc Mỹ phải sử dụng các công nghệ nhằm tăng khả năng cơ động của vệ tinh, qua đó tăng khả năng sống sót của chúng, tránh các mối đe dọa và lấp đầy khoảng trống bao phủ của các cảm biến trong một kịch bản xảy ra tấn công chống vệ tinh.
Trước đây, trang Asia Times từng đưa tin về kế hoạch của Mỹ sử dụng động cơ đẩy nhiệt hạt nhân trong các vệ tinh, giúp chúng có khả năng cơ động cao trong phát hiện kẻ thủ, tăng tính linh hoạt trong phòng thủ và né tránh các vũ khí chống vệ tinh.
Những tiến bộ công nghệ mới có thể sẽ được đưa vào bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào nằm trong kế hoạch của Mỹ chống vũ khí siêu vượt âm. Chẳng hạn, một báo cáo vào tháng 2 năm nay của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đề cập rằng Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) và Cơ quan Phát triển Không gian (SDA) đang phát triển một số cảm biến trên không gian để theo dõi vũ khí siêu vượt âm.
Báo cáo mô tả hệ thống cảnh báo sớm hai tầng chống lại vũ khí siêu vượt âm. Tầng đầu tiên của hệ thống này, được gọi là Tầng theo dõi, đang được phát triển bởi MDA. Nó sử dụng một chòm sao vệ tinh cảm biến trường nhìn rộng ở quỹ đạo tầm thấp (LEO) để cảnh báo chống lại các vụ phóng vũ khí siêu vượt âm.
Đồng thời, SDA đang phát triển tầng thứ hai gọi là Chùm vệ tinh Siêu âm và Theo dõi Không gian (HBTSS) ở quỹ đạo tầm trung (MEO), có khả năng thực hiện theo dõi với độ chính xác cao để hỗ trợ các nhiệm vụ đánh chặn siêu vượt âm.
Hệ thống cảnh báo sớm chống lại vũ khí siêu vượt âm này sẽ dựa vào tối thiểu 50 vệ tinh nhỏ để giảm chi phí trong khi vẫn có dự phòng để cung cấp khả năng chống lại các cuộc tấn công chống vệ tinh.