Trung Quốc phát triển trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán đường bay tên lửa siêu vượt âm

Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho biết họ đang phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể ước tính đường bay của tên lửa siêu vượt âm khi lao vào mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Chú thích ảnh
Các cường quốc quân sự đang chạy đua để phát triển vũ khí siêu thanh. Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống phóng tích hợp trí tuệ nhân tạo này có thể ước tính quỹ đạo tiềm năng của vũ khí đang bay tới và bắt đầu đối phó trong khoảng thời gian 3 phút.

Ông Zhang Junbiao, nhà khoa học máy tính thuộc Cục tình báo cảnh báo sớm thuộc Học viện Không quân cảnh báo sớm Vũ Hán, cho biết: “Các cường quốc quân sự trên thế giới đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt xung quanh việc phát triển các phương tiện lướt siêu vượt âm, mang lại những thách thức mới và nghiêm trọng đối với an toàn hàng không và vũ trụ”.

Trong bài báo đăng trên Tạp chí Du hành vũ trụ, ấn phẩm được bình duyệt bởi Hiệp hội Du hành Vũ trụ Trung Quốc, nhà khoa học Zhang  cũng nhấn mạnh rằng khả năng dự đoán quỹ đạo có nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phân tích ý định và đánh chặn hệ thống phòng thủ không gian. 

Trong trường hợp một vũ khí lướt siêu vượt âm thực hiện cuộc tấn công từ không gian, không giống như tên lửa đạn đạo thông thường, nó có thể di chuyển trong và ngoài khí quyển giống như một viên đá trượt trên mặt nước - dạt sang trái hoặc phải - khiến việc theo dõi và đánh chặn khó hơn. Với tốc độ siêu vượt âm Mach 5 (6.174km/h) hoặc cao hơn, hệ thống phòng không có rất ít thời gian phản ứng. Do đó, các chuyên gia tin rằng công nghệ hiện có không thể ngăn chặn một tên lửa lướt siêu vượt âm. Tuy nhiên, ông Zhang cho biết công nghệ AI mới có thể xử lý các nhiệm vụ không chắc chắn như vậy.

Thông thường, bên phòng thủ sẽ không biết gì về khối lượng, kích thước, hình dạng, hệ thống điều khiển khí động học hoặc mục đích của vũ khí đối phương. Nhưng công nghệ AI mới có thể đưa ra phỏng đoán khá chính xác bằng cách phân tích dữ liệu quan sát đường bay. Các nhà nghiên cứu cho biết tên lửa dù tiên tiến hay nhanh đến đâu cũng cần tuân theo những quy luật vật lý nhất định và mỗi bước di chuyển của nó sẽ mang lại một số gợi ý nhỏ nhưng hữu ích về thiết kế, khả năng và sứ mệnh.

Do đó, họ đã phát triển thuật toán học máy có thể đọc dữ liệu thu thập được trong giai đoạn đầu của đường bay siêu vượt âm. Từ đó, sử dụng kiến thức mới để tính toán đường bay có thể xảy ra nhất trong giai đoạn cuối của vụ tấn công. 

Chú thích ảnh
Quỹ đạo bay của tên lửa đạn đạo so với vũ khí siêu vượt âm. Ảnh: Yahoo News

Chuyên gia Zhang và các đồng nghiệp của ông thừa nhận rằng việc biến lý thuyết này thành một mô hình thực tế không hề đơn giản. Họ cho biết dữ liệu thô được thu thập bởi một hệ thống cảnh báo sớm chứa nhiều tiếng ồn có thể gây nhầm lẫn cho AI và quá nhiều dữ liệu cũng có thể khiến máy tính bị quá tải.

Để xử lý vấn đề này, nhóm các nhà nghiên cứu đã phát triển một thuật toán học sâu duy nhất có thể tự động loại bỏ tiếng ồn khỏi các tín hiệu mà họ phát hiện được. Để tiết kiệm tài nguyên tính toán, thuật toán cũng bắt chước hoạt động của não người, bằng cách chỉ tập trung vào dữ liệu mới nhất, quan trọng nhất.

Theo nghiên cứu, mặc dù phức tạp hơn mọi công nghệ trí tuệ nhân tạo dự đoán quỹ đạo siêu vượt âm trước đây, hệ thống mới có thể hoạt động trên máy tính xách tay và cho ra kết quả trong vòng 15 giây. Các thử nghiệm mô phỏng cho thấy phương pháp này vẫn hiệu quả đối với nhiều loại vũ khí bay với tốc độ lên đến Mach 12 (tương đương 14.312 km/h).

Trung Quốc và Nga đã phát triển nhiều loại vũ khí siêu vượt âm, trong khi Mỹ đang chạy đua để bắt kịp và thực hiện thử nghiệm thành công loại vũ khí có tốc độ Mach 5 hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Các nhà nghiên cứu quân sự đã đề xuất nhiều biện pháp đối phó với loại vũ khí này, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm trên không gian có thể phát hiện và đánh chặn vũ khí siêu vượt âm trong giai đoạn đầu hoặc giữa của chuyến bay, tia laser công suất cao có thể làm mù hoặc phá hủy các cảm biến hoặc tên lửa cũng có thể hoạt động ở tốc độ siêu vượt âm. Nhưng hầu hết các công nghệ này vẫn đang trong quá trình phát triển.

Hải quân Trung Quốc đã lắp đặt một khẩu pháo mới trên các tàu chiến mới hơn. Họ cho rằng vũ khí này có thể đánh bại vũ khí siêu vượt âm bằng cách bắn 10.000 phát đạn mỗi phút theo hướng dự đoán của họ.

Một nhà nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh tham gia vào chương trình radar quân sự cho biết AI sẽ đóng vai trò lớn trong việc phòng thủ vũ khí siêu vượt âm nhưng hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ, theo nhà nghiên cứu, tên lửa siêu vượt âm được bao quanh bởi khí cực nóng, ion hóa có thể làm sai lệch tín hiệu radar hoặc nhiệt, khiến việc phát hiện chính xác chuyển động của nó trở nên khó khăn hơn.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kỹ thuật Tên lửa Quân sự ở Tây An (Trung Quốc) cho biết họ đang phát triển một loại vũ khí tầm nhiệt siêu vượt âm có khả năng đánh trúng một chiếc xe đang di chuyển. Quân đội Trung Quốc ngày càng tin vũ khí siêu vượt âm sẽ thay đổi bản chất của trận chiến và đang đầu tư mạnh mẽ để đạt được lợi thế về công nghệ. Họ cho rằng các phương tiện quân sự đắt tiền như tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình cũng sẽ mất lợi thế và ít khả năng phòng thủ trước tên lửa siêu vượt âm.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Trung Quốc có thể ra mắt siêu tàu sân bay mới trong tuần này
Trung Quốc có thể ra mắt siêu tàu sân bay mới trong tuần này

Sau các chương trình tập trận mới đây nhằm tăng cường sức mạnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt siêu tàu sân bay Type 003.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN