Cuộc đua của các nhà thầu quân sự Mỹ trong đánh chặn vũ khí siêu vượt âm

Các tập đoàn vũ khí hàng đầu của Mỹ như Raytheon, Northrop đang cạnh tranh để phát triển tên lửa đánh chặn vũ khí siêu vượt âm.

Chú thích ảnh
Một tên lửa siêu vượt âm của Nga khai hỏa. Ảnh: AP

Theo một thông báo mới đây của Lầu Năm Góc, Raytheon Technologies và Northrop Grumman đã giành được các hợp đồng riêng lẻ để tiếp tục phát triển các tên lửa đánh chặn vũ khí siêu vượt âm trong một cuộc đấu thầu do Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) đứng đầu.

Vào tháng 11/2021, MDA đã chọn hai công ty trên cùng với Lockheed Martin để thiết kế Hệ thống đánh chặn giai đoạn lượn (GPI) có khả năng phòng thủ tên lửa siêu vượt âm khu vực. Các tên lửa đánh chặn được thiết kế để chống lại một vũ khí siêu vượt âm trong giai đoạn bay lượn, vốn là một thách thức vì tên lửa có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và rất linh hoạt, nên khó có thể đoán được quỹ đạo bay của nó.

Các tên lửa đánh chặn sẽ được thiết kế để triển khai trên các tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis hiện tại của Hải quân Mỹ. Nó sẽ được bắn từ hệ thống phóng thẳng đứng tiêu chuẩn và được tích hợp với hệ thống vũ khí Aegis 9 đã được sửa đổi để phát hiện, theo dõi, kiểm soát và ngăn chặn các mối đe dọa siêu thanh.

Trong khi tập đoàn Lockheed không được trao hợp đồng tham gia giai đoạn tiếp theo của MDA về GPI, công ty này cũng đang cạnh tranh với Raytheon để phát triển tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không như một phần của chương trình HAWC (Hypersonic Air-breathing Weapon Concept) do Không quân và Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Mỹ điều hành.

Lockheed hiện đang là nhà tích hợp cho tên lửa tấn công siêu vượt âm của Hải quân và vũ khí siêu vượt âm tầm xa của Lục quân cũng như cũng đang phát triển vũ khí siêu vượt âm AGM-183A cho Không quân Mỹ. 

MDA cho biết cơ quan này vẫn có khả năng cho phép Lockheed quay trở lại chương trình GPI trong tương lai "nếu được yêu cầu".

Northrop bắt đầu thúc đẩy phát triển năng lực tên lửa siêu vượt âm vào năm 2019 khi Lầu Năm Góc coi khả năng siêu vượt âm là ưu tiên hàng đầu. Cùng năm đó, Lockheed Martin khánh thành một cơ sở mới ở Alabama nhằm phát triển, thử nghiệm và sản xuất vũ khí siêu vượt âm.

MDA đã tạm dừng nỗ lực đánh chặn vũ khí siêu vượt âm vào mùa Hè năm 2020. Nhưng trong năm nay, cơ quan này đã thực hiện một số bước nhằm tiếp tục phát triển tên lửa đánh chặn vũ khí siêu vượt âm và nhận được phản hồi từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ xác nhận rằng thiết bị đánh chặn giai đoạn lượn là có khả thi, Giám đốc MDA Jon Hill cho biết.

Theo ông Hill, khoảng một năm trước, MDA đã thay đổi cách tiếp cận đối với vũ khí siêu vượt âm, chọn tập trung vào việc đánh chặn vũ khí siêu vượt âm trong giai đoạn lượn, nơi chúng dễ bị tổn thương nhất. 

Cơ quan này trước tiên sẽ tập trung vào việc cung cấp năng lực đánh chặn siêu vượt âm cho Hải quân. “Nếu điều này thành công. Chúng tôi có thể chuyển sang triển khai trên các nền tảng trên đất liền để đối phó với các mối đe dọa siêu vượt âm”, ông Hill tuyên bố.

MDA hiện vẫn chưa tiết lộ chi tiết lịch trình của chương trình cho các giai đoạn tiếp theo, nhưng theo các tài liệu giải trình về ngân sách năm tài chính 2023 của Lầu Năm Góc, cơ quan này có kế hoạch tiến hành đánh giá sơ bộ hệ thống vũ khí và hệ thống tên lửa đánh chặn siêu vượt âm vào quý 4 năm tài chính 2027.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo defensenews.com)
Mỹ thử thành công vũ khí siêu thanh
Mỹ thử thành công vũ khí siêu thanh

Ngày 16/5, Lực lượng Không quân Mỹ cho biết đã thử thành công vũ khí siêu thanh, có thể bay với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN