Theo nhận định của chuyên gia bình luận về các vấn đề an ninh và quốc phòng quốc tế Gabriel Honrada trên trang Asiatimes.com mới đây, khi các cường quốc quân sự sử dụng tên lửa siêu thanh với số lượng ngày càng tăng, một cuộc chạy đua sức mạnh mới đang diễn ra để có khả năng phòng thủ hiệu quả chống lại vũ khí có thể làm "thay đổi cuộc chơi" này. Đối với Mỹ, Standard Missile-6 (SM-6) vẫn là nền tảng của hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này, cho thấy một lỗ hổng trước các hệ thống siêu thanh cơ động nhanh.
Được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 2013, SM-6 là tên lửa đầu tiên trong dòng tên lửa “Tiêu chuẩn” bao gồm các khả năng phòng thủ "ba trong một": đối không, đối đất và trên biển, cho phép nó đánh chặn tên lửa hành trình và đạn đạo.
SM-6 được triển khai theo ba phiên bản thiết kế, với SM-6 Block I là phiên bản đầu tiên được triển khai trên các tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ, Block IA khắc phục những thiếu sót kỹ thuật liên quan đến phiên bản đầu tiên và phiên bản mới nhất SM-6 Dual có thể bắn hạ các mục tiêu tên lửa hành trình và đạn đạo.
Các báo cáo cho thấy SM-6 có khả năng chống lại các mục tiêu siêu thanh. Mặc dù SM-6 có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo bay ở tốc độ siêu thanh, nhưng hiệu quả của nó trong việc chống lại các mục tiêu siêu thanh cơ động là một vấn đề đáng nghi ngờ. Năm ngoái, 2 tên lửa SM-6 Dual phóng từ tàu chiến Aegis của Mỹ đã không thể đánh chặn mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM).
Khi tên lửa đạn đạo bay với tốc độ siêu thanh sẽ di chuyển theo một quỹ đạo có thể dự đoán được, điều này có thể giúp tính toán điểm đánh chặn. Tuy nhiên, việc đánh trúng mục tiêu cơ động siêu thanh sẽ khó hơn nhiều.
Ông Honrada cho rằng hiện tại, khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ phải đối mặt với những ràng buộc lớn về chính trị, kỹ thuật và chi phí, có thể hạn chế hiệu quả của chúng trước các mối đe dọa siêu thanh.
Sự nhạy cảm về chính trị đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở các nước đồng minh của Mỹ có thể tạo ra những “điểm mù”, mở ra những lỗ hổng rộng lớn hơn. Các quốc gia như vậy có thể lo ngại về việc chính họ trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công.
Điều này đã được thấy trong các cuộc biểu tình phản đối diễn ra ở Hàn Quốc về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa Khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), xuất hiện từ năm 2017.
Về mặt kỹ thuật, hạn chế về địa lý của radar phòng thủ tên lửa có nghĩa là không phải tất cả các khu vực quan trọng đều có thể được bảo vệ trước sự tấn công. Điều đó được ghi nhận trong thực tế là lá chắn tên lửa của NATO không thể bảo vệ Bulgaria, Hy Lạp, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ khỏi một cuộc tấn công tên lửa từ Iran bằng các hệ thống đánh chặn tầm trung đặt tại Ba Lan.
Về chi phí, mức giá cao cho mỗi tên lửa SM-6 Dual - ước tính khoảng 5 triệu USD/quả - sẽ khiến việc triển khai vũ khí đủ khả năng đánh bại một cuộc tấn công của tên lửa siêu thanh gặp khó khăn lớn, vì tên lửa tấn công có thể được trang bị mồi nhử và các biện pháp đối phó khác để đánh lừa tên lửa tên lửa phòng thủ.
Do đó, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) năm 2020 đã thông báo gặp khó khăn về vấn đề kinh phí và tạm dừng phát triển tên lửa đánh chặn siêu thanh, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ xem xét các giải pháp ngắn hạn khả thi hơn.