Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ đưa ra một vài chi tiết về vụ thử, trong đó nói rằng bộ phận đánh lửa đã gặp trục trặc và khiến quả tên lửa siêu vượt âm không thể kích hoạt như dự kiến.
“Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ chưa có tất cả thông tin về vụ thử nghiệm, nhưng phần dữ liệu thu thập được từ sự cố trên sẽ cung cấp những thông tin quan trọng”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Hải quân Tim Gorman phát biểu.
Vụ thử tên lửa ngày 29/6 là một phần của Chương trình Đột kích Nhanh Thông thường của Hải quân Mỹ (Conventional Prompt Strike - CPS), trong đó tập đoàn Lockheed Martin đang phát triển các vũ khí có khả năng bay với tốc độ Mach 5 trở lên để trang bị cho tàu ngầm và tàu nổi.
Vụ thử tên lửa siêu vượt âm trước đây của Quân đội Mỹ tại Khu phức hợp Cảng vũ trụ Thái Bình Dương ở Kodiak, Alaska, vào tháng 10/2021 cũng gặp thất bại vì lỗi động cơ tên lửa đẩy. Tại thời điểm đó, giới chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng phần động cơ tên lửa đẩy đó không nằm trong hệ thống vũ khí mới.
Mặc dù gặp thất bại trong cả hai lần thử nghiệm, Lầu Năm Góc vẫn tự tin khẳng định đạt sẽ đạt được tiềm lực về vũ khí tấn công siêu vượt âm trong tương lai gần.
Mỹ đang phải chật vật để theo kịp Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực phát triển vũ khí siêu vượt âm. Các chương trình phát triển loại vũ khí hiện đại này đã thu được một số kết quả nhất định, song cường quốc này vẫn chưa thể sở hữu một hệ thống hoàn chỉnh.