Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 16/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trước cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng của liên minh này, nói rằng quân đội Ukraine đang tiêu thụ nhiều đạn dược nhiều hơn đáng kể so với những gì phương Tây có thể sản xuất.
Ông Stoltenberg nói: "Tỷ lệ tiêu thụ đạn dược hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần so với tốc độ sản xuất hiện tại của chúng ta. Điều này khiến ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta gặp áp lực".
Frank Sauer, một chuyên gia an ninh tại Universität der Bundeswehr München (Đại học quân sự ở Munich), nhận định tình trạng thiếu đạn dược là "vấn đề cơ bản" vào lúc này - còn hơn cả vấn đề hệ thống phòng không và xe tăng đang gây tranh cãi nhiều.
Nico Lange, một chuyên gia quân sự dự Hội nghị An ninh Munich và cựu Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Đức, đồng ý rằng việc tăng năng lực sản xuất đạn dược là điều quan trọng hàng đầu.
"Theo quan điểm của tôi, [sự thiếu hụt đạn dược] quan trọng hơn bất kỳ cuộc thảo luận mang tính biểu tượng nào", ông Lange nói, giải thích rằng điều này có liên quan đến chiến lược quân sự của Nga. Ông Lange lập luận: “Chiến thuật tấn công của Nga - tấn công trực diện vào tiền tuyến ở nhiều khu vực - chỉ có thể thành công nếu Ukraine hết đạn dược", đồng thời nói thêm rằng điều này nên tránh bằng mọi giá với sự hỗ trợ của phương Tây.
Theo Deutsche Welle, các chỉ huy quân sự của Ukraine đang buộc phải đưa ra "những quyết định rất khó khăn" về việc sử dụng đạn dược và "đây là một vấn đề rất thực tế".
Nhưng ngay cả khi đặt hàng được vào thời điển hiện tại, thì Ukraine cũng sẽ mất nhiều thời gian để có nhiều đạn hơn vì thời gian chờ đạn cỡ nòng lớn hiện là 28 tháng. "Các đơn đặt hàng hôm nay sẽ chỉ được giao trong hai năm rưỡi sau", ông Stoltenberg cho biết, lưu ý rằng các kho dự trữ đang cạn kiệt.
Chuyên gia Sauer lập luận rằng lẽ ra Đức và phương Tây phải phản ứng sớm hơn nhiều. Ông Sauer nói: “Các dầu hiệu bắt đầu xuất hiện vào cuối mùa hè năm ngoái. Đó là lúc Đức và các nước phương Tây nên chuyển hướng và nhận ra rằng đã đến lúc phải hành động khẩn cấp”.
Theo hãng tin Đức tagesschau.de, Mỹ đã giao hoặc cam kết sẽ giao hơn một triệu quả đạn pháo. Nhưng họ cũng gặp vấn đề về nguồn cung, vì vậy, có lẽ họ phải dựa vào các kho đạn dược ở Israel và Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, điều đó cho thấy cả Mỹ và châu Âu đều không chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh thông thường.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius cũng lưu ý rằng "chỉ" có cuộc thảo luận về xe tăng và vấn đề đạn dược hiện đang được thúc đẩy: "Điều này rất quan trọng và cần thiết nhưng hy vọng là chưa quá muộn”.
Ông Pistorius đã kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng Đức "tăng cường mọi năng lực ở mức tối đa càng nhanh càng tốt" và cho biết một thỏa thuận với nhà thầu quốc phòng Rheinmetall để tiếp tục sản xuất đạn dược cho pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất là bước quan trọng đầu tiên.
Theo ông Pistorius, Đức quyết định thực hiện bước này là để không bị phụ thuộc vào Thụy Sĩ. Tờ Süddeutsche Zeitung của Đức đưa tin hợp đồng mới với Rheinmetall là 300.000 viên đạn, sẽ được chuyển đến Ukraine từ tháng 7 năm nay.
Bất chấp lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Đức trên, Hans Christoph Atzpodien, người đứng đầu hiệp hội công nghiệp quốc phòng và an ninh Đức BDSV cho biết các công ty cần sự ràng buộc và cam kết nhiều hơn. Ông Atzpodien cho rằng các đơn đặt hàng diễn ra tương đối chậm vào năm ngoái do vấn đề phân bổ ngân sách và “chúng tôi rất cần những đơn đặt hàng này, nhưng chúng tôi cần có thời gian lập kế hoạch cũng như cần độ tin cậy”.