Trung tướng Viktor Poznikhir thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga ngày 24/4 cho biết dựa trên phân tích “khả năng hành động”, có thể thấy Mỹ đang tìm cách đạt được ưu thế qua học thuyết “đánh chặn ngay từ đầu”. Theo đó, Mỹ sẽ tìm cách tiêu diệt tên lửa của đối thủ khi chúng vẫn nằm trong hầm chứa.
Kênh RT (Nga) dẫn lời Trung tướng Viktor Poznikhir: “Ý định của Washington về thiết lập hệ thống tấn công tên lửa từ trên vũ trụ nhằm vào tên lửa đạn đạo ở giai đoạn phóng ban đầu là đáng lo ngại. Về cơ bản, điều này khôi phục khái niệm về ‘Chiến tranh giữa các vì sao’ trong những năm 1980 của thế kỷ trước”.
Nga từ lâu nghi ngờ rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại châu Âu thực tế nhằm vào tấn công thay vì đánh chặn tên lửa. Trung tướng Poznikhir cảnh báo: “Dựa trên sự phát triển của vũ khí trên không gian hiện nay, trường hợp tấn công như vậy có thể tiến hành nhằm vào mục tiêu ở bất cứ giai đoạn nào”.
Chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” còn được biết đến với tên Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) ra đời trong thời Tổng thống Ronald Reagan. Chương trình này nhắm đến mục tiêu tạo ra vũ khí trên không gian có thể xử lý bất cứ tên lửa Liên Xô nào vượt qua bầu khí quyển Trái Đất. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chương trình này cũng dần bị lãng quên.
Trong tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định sẽ thành lập Lực lượng Vũ trụ. Gần đây, Đánh giá Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDR) còn đưa ra khái niệm về hệ thống đánh chặn trên vũ trụ có khả năng tiêu diệt tên lửa từ giai đoạn phóng. Bên cạnh đó, MDR còn đề xuất triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa bổ sung tại Alaska.