Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin sự kiện “vĩ đại” ngày 8/2 được tổ chức tại Quảng trường Kim Nhật Thành, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-un cùng với phu nhân Ri Sol-ju và con gái Kim Ju-ae đã tham dự sự kiện này.
Trong số “khí tài quân sự vô cùng hiện đại” được giới thiệu trong lễ duyệt binh, hãng tin KCNA cho biết Triều Tiên đã trình làng “các đơn vị vận hành vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Đáng chú ý, màn phô diễn lực lượng quân sự còn có sự góp mặt của 11 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 mới nhất. Theo truyền thông nhà nước, Hwasong-17 đại diện cho “năng lực tấn công hạt nhân to lớn của Cộng hoà Nhân dân Triều Tiên”.
Hwasong-17 là hệ thống tên lửa ICBM mới nhất của Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn ước tính lên đến 15.000 km. Cuối năm 2022, quân đội nước này đã tuyên bố hoàn tất chương trình thử nghiệm Hwasong-17.
Giới chuyên gia cho rằng với màn phô diễn sức mạnh mới nhất, thông điệp Triều Tiên muốn gửi tới kẻ thù tiềm tàng của nước này đó là “vũ khí hạt nhân đấu với vũ khí hạt nhân và đối đầu toàn diện với đối đầu toàn diện”.
Đăng tải bài viết trên Twitter hôm 9/2, ông Ankit Panda tạiTổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ bình luận: “Đây là số bệ phóng ICBM di động lớn nhất từ trước tới nay được Triều Tiên giới thiệu trong một lễ duyệt binh”.
Nhận đình về các bức ảnh do KCNA công bố, hãng truyền thông Politico cảnh báo Triều Tiên dường như đang sở hữu đủ tên lửa để “có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của Mỹ chống lại nước này”.
Theo ước tính của Politico, Mỹ có tổng cộng 44 tên lửa đánh chặn trên mặt đất để tiêu diệt một ICBM của Triều Tiên. Tuy nhiên, báo cáo cho biết nếu tên lửa của Triều Tiên có thể mang theo 4 đầu đạn, số lượng này sẽ vượt số lượng hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Nguồn tin mô tả cuộc duyệt binh tuần này là “màn trình diễn thách thức” làm nổi bật “sự tiến bộ quân sự đáng kinh ngạc của Bình Nhưỡng.”
Một số chuyên gia phương Tây cũng đặc biệt chú ý đến loại vũ khí mà họ cho rằng là nguyên mẫu hoặc mô hình của mẫu ICBM nhiên liệu rắn mới.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn dựa vào các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng tại một bãi phóng. Nước này đã có thời gian phát triển giải pháp thay thế nhiên liệu rắn.
Nếu thành công, Quân đội Triều Tiên sẽ sở hữu các tên lửa không cần quá trình tiếp nhiên liệu tốn thời gian trước khi phóng. Điều này sẽ khiến kẻ thù khó phát hiện ra chúng hơn trong một cuộc xung đột.