Hãng tin RT dẫn thông báo chính thức của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các thiết bị này đã được chuyển tới căn cứ không quân Murted ngoại ô tỉnh Ankara. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận lô hàng đã được chuyển giao và những lần giao hàng còn lại sẽ tiếp tục như dự kiến.
Phản ứng trước diễn biến mới nhất trong thương vụ S-400, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bày tỏ quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống. Một quan chức NATO cho biết: "Chúng tôi quan ngại về hậu quả tiềm tàng của việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết mua hệ thống S-400. Khả năng tương tác của quân đội các nước là cơ sở để NATO tiến hành các chiến dịch và sứ mệnh".
Cùng ngày, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng nước này Hulusi Akar đã có cuộc điện đàm với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper liên quan tới việc Ankara nhận lô thiết bị đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.
Trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Akra cho biết quyết định mua hệ thống S-400 của Nga không phải là ưu tiên của Ankara nhưng là một quyết định cần thiết. Cũng theo quan chức này, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành đánh giá về phương án mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, cũng như sẽ không thay đổi quan điểm về việc mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.
Video lô linh kiện S-400 được dỡ khỏi máy bay tại căn cứ không quân Murted, Thổ Nhĩ Kỳ (nguồn: RT):
Năm 2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua 4 hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Thương vụ này đã gây ra tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, viện dẫn những quan ngại an ninh và sự không tương thích của S-400 với các hệ thống phòng không của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên.
Để gây sức ép buộc Ankara từ bỏ hợp đồng với Nga, Mỹ đã đình chỉ việc vận chuyển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng trước, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch loại bỏ hoàn toàn sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 vào ngày 31/7.
Trước sự phản đối từ phía Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định quốc gia có quyền tự do chọn vũ khí mua của nước nào. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết việc tự ý loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 là một hành vi “trộm cắp” vì Ankara đã đầu tư một số tiền lớn vào chương trình.
Trong một động thái tương tự, Washington tìm cách thuyết phục Ấn Độ không mua hệ thống S-400 của Nga. Tháng 10 năm ngoái, New Delhi đã ký một thỏa thuận mua hệ thống tên lửa này. “Chúng tôi sẽ làm những gì thuộc về lợi ích quốc gia”, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - Subrahmanyam Jaishankar – tuyên bố sau khi hội đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tháng trước.
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa của Nga, dùng để tiêu diệt các phương tiện tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh. Hệ thống này hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng bắn hạ một máy bay ở khoảng cách xa 250 km và đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay cách 60 km.