Trong bài phỏng vấn nhật báo China Daily xuất bản ngày 3/1, dù không tiết lộ chính xác ngày tàu sân bay thực hiện chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên, Đại úy Qian Shumin – một sĩ quan cấp cao của tàu – cho biết các cuộc thử nghiệm sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu thế kỷ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
CNS Phúc Kiến là tàu chiến lớn nhất mà Trung Quốc từng đóng và việc đưa phương tiện này đi vào hoạt động là một ưu tiên hàng đầu trong các mục tiêu của Hải quân Trung Quốc.
Con tàu đã được hạ thủy vào ngày 17/6/2022 và đang trong giai đoạn cuối cùng tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải.
Nhà phân tích Carl Schuster, một cựu đại úy Hải quân Mỹ, cho biết ông hy vọng các đợt thử nghiệm đầu tiên của tàu sân bay Phúc Kiến sẽ diễn ra vào mùa xuân 2023.
“Dựa trên tình hình công nghệ và hệ thống được lắp đặt trên tàu Phúc Kiến, các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên sẽ được tiến hành vào khoảng tháng 3/2023, bao gồm các hoạt động kiểm tra kỹ thuật cơ bản và khả năng điều động của tàu”, ông Schuster, cựu quan chức tại Trung tâm tình báo liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay và nói thêm cuộc thử nghiệm có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày.
Chuyên gia Schuster cho biết đây sẽ là những bước đầu tiên trong chuỗi thử nghiệm kéo dài khoảng 18 tháng, có thể giúp tàu Phúc Kiến chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2024.
Theo China Daily, với lượng giãn nước khoảng 80.000 tấn, kích thước của tàu Phúc Kiến lớn hơn 50% so với hai tàu sân bay đang hoạt động của Trung Quốc và góp phần đưa Hải quân Trung Quốc vào hàng ngũ lực lượng sở hữu các siêu tàu sân bay, giống như các tàu lớp Nimitz 100.000 tấn của Mỹ.
Hai tàu sân bay đang hoạt động của Trung Quốc, là Liêu Ninh và Sơn Đông, chủ yếu sử dụng công nghệ của Liên Xô. Hai tàu sân bay này sử dụng hệ thống phóng trượt.
Khác biệt so với hai tàu sân bay trước, Phúc Kiến cũng được trang bị hệ thống máy phóng điện từ - công nghệ mà chỉ có trên tàu sân bay mới nhất đang hoạt động của Mỹ, tàu USS Gerald Ford.