Theo Business Insider, ngày 17/6, Trung Quốc đã chính thức hạ thủy tàu sân bay mới nhất và tiên tiến nhất mang tên Phúc Kiến.
Phúc Kiến là tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc và là tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và đóng mới hoàn toàn trong nước. Con tàu này cho thấy quân đội Trung Quốc mở rộng ngày càng nhanh chóng và được coi là đối thủ tiềm tàng của các siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ.
Nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia châu Á duy nhất có tàu sân bay mới trong năm nay. Vào những ngày cuối tháng 7, Hải quân Ấn Độ đã nhận bàn giao tàu sân bay mới Vikrant.
Vikrant cũng được thiết kế và chế tạo trong nước. Con tàu là một cột mốc quan trọng đối với Ấn Độ - cường quốc quân sự lớn thứ hai châu Á và có đường biên giới dài với Trung Quốc.
Ngoài nhiều cải tiến so với tàu sân bay trước đó, cả Phúc Kiến và Vikrant đều là những tàu sân bay đầu tiên có tầm quan trọng đối với hai quốc gia. Sẽ phải vài năm nữa hai tàu mới hoạt động đầy đủ nhưng đã cho thấy sức mạnh đáng gờm.
Phúc Kiến
Là một tàu sân bay Type 003, Phúc Kiến dài khoảng 315 mét và choán nước khoảng 80.000 tấn. Tàu Phúc Kiến lớn hơn một chút so với các tàu trước đó là Liêu Ninh thuộc Type 001 và Sơn Đông thuộc Type 002. Hai tàu này dài khoảng 304 mét và choán nước từ 60.000 đến 70.000 tấn.
Liêu Ninh là tàu sân bay lớp Kuznetsov do Liên Xô thiết kế mà Trung Quốc mua vào năm 1998 và được sửa đổi nhiều trước khi đưa tàu vào hoạt động năm 2012. Sơn Đông có thiết kế dựa trên tàu Liêu Ninh và đi vào hoạt động vào năm 2019.
Cả ba tàu sân bay của Trung Quốc đều sử dụng động cơ thông thường thay vì lò phản ứng hạt nhân, dẫn đến năng lượng mà tàu có thể tạo ra và thời gian tàu có thể ở trên biển bị hạn chế hơn.
Trong số các khu vực được nâng cấp của Phúc Kiến có khu vực chỉ huy nhỏ gọn hơn, giúp giải phóng không gian trên buồng điều khiển bay.
Tuy nhiên, thay đổi nổi bật nhất là thay thế hệ thống cất cánh cự ly ngắn và cáp hãm đà hạ cánh (STOBAR) và đoạn đường trượt cần thiết.
Phúc Kiến có boong hoàn toàn bằng phẳng và ba máy phóng, cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong sử dụng hệ thống hỗ trợ cất và hạ cánh (CATOBAR) vốn được sử dụng trên tàu sân bay Mỹ.
STOBAR cho phép máy bay phản lực cất cánh trên boong ngắn hơn nhưng giới hạn lượng nhiên liệu và vũ khí mà máy bay có thể mang theo khi cất cánh.
Hệ thống CATOBAR có thể phóng máy bay phản lực có trọng tải lớn hơn và nhiều nhiên liệu hơn. Hệ thống này cũng có thể phóng các máy bay lớn hơn, như những máy bay dùng để kiểm soát và cảnh báo sớm trên không.
Hiện vẫn chưa rõ kích thước và thành phần không đoàn của Phúc Kiến, nhưng dự kiến sẽ lớn hơn số lượng 36 máy bay trên cả Liêu Ninh và Sơn Đông, và còn bao gồm cả máy bay chiến đấu J-15, máy bay trực thăng Z-18.
Trong tương lai, không đoàn của Phúc Kiến có thể có cả máy bay chiến đấu tàng hình J-35, trực thăng Z-20F, máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-600 và thậm chí cả máy bay không người lái.
Vikrant
Vikrant chính thức được hạ thủy vào năm 2013 và dự kiến được đưa vào hoạt động vào ngày 15/8.
Trước đó, Ấn Độ có các tàu sân bay cũ của Anh và INS Vikramaditya - một tàu sân bay lớp Kiev mua từ Nga và đưa vào hoạt động năm 2013, là soái hạm hiện tại của Hải quân Ấn Độ.
Dài 262 mét và lượng choán nước khoảng 45.000 tấn, Vikrant là tàu chiến lớn nhất mà Ấn Độ từng đóng. Tàu do công ty đóng tàu lớn nhất Ấn Độ Cochin Shipyard Limited thiết kế và chế tạo. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, 76% bộ phận được phát triển trong nước.
Vikrant có thủy thủ đoàn khoảng 160 sĩ quan và 1.400 thủy thủ. Tàu hoạt động nhờ năng lượng mà 4 tuabin khí tạo ra: 88 megawatt và đẩy nó lên tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ. Tàu có thể chở khoảng 30 máy bay phản lực và máy bay trực thăng. Giống như INS Vikramaditya, tàu sử dụng hệ thống STOBAR.
Không đoàn ban đầu của Vikrant dự kiến gồm những chiếc MiG-29K, phiên bản trên tàu sân bay của MiG-29 do Nga sản xuất. MiG-29K đã phục vụ trên tàu sân bay INS Vikramaditya nhưng do hoạt động kém nên Ấn Độ phải tìm kiếm 26 máy bay chiến đấu mới. Các lựa chọn có thể là F/A-18 Super Hornet của Boeing và Rafale-M của Dassault Aviation.
INS Vikrant dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tăng cường khả năng của Hải quân Ấn Độ khi đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng ở các vùng biển xung quanh Ấn Độ.