Hệ thống đẩy (propulsion system) trên tàu ngầm Orel lớp Oscar-II (NATO định danh K-266) đã gặp trục trặc khi tàu đang di chuyển qua lãnh hải của Đan Mạch ngoài khơi thành phố Aarhus. Vụ việc diễn ra trong ngày 30/7, buộc hải quân Nga gấp rút công việc chuẩn bị kéo tàu ngầm về trước khi tàu hoạt động trở lại.
Tờ Barents Observer đưa tin tại thời điểm đó tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường Orel đang di chuyển cùng khu trục hạm Phó Đô đốc Kulakov và tàu săn ngầm Udaloy từ St. Petersberg tới bán đảo Kola. Thủy thủ đoàn đã mặc sẵn áo pháo khi xuất hiện trên mũi khoang trước của tàu Orel tại thời điểm tàu được tàu kéo Altai của Hạm đội Biển Bắc (Nga) lai dắt bằng dây chuyên dụng.
Phát hiện thấy dấu hiệu bất thường, tàu tuần tra HDMS Diana của Đan Mạch đã tiến lại để trợ giúp, nhưng không liên lạc được với tàu ngầm, chỉ nhận được tín hiệu radio và trả lời từ khu trục hạm Phó Đô đốc Kulakov. Tàu của Đan Mạch sau đó cũng làm nhiệm vụ hộ tống tàu ngầm Orel.
"Hoạt động hộ tống này sẽ đi vào lịch sử vì sự thú vị và gay cấn khi tàu ngầm hạt nhân Orel gặp trục trặc với hệ thống đẩy và trôi dạt với tốc độ 2,8 km/h về phía đảo Sejero. Hải quân Đan Mạch đề nghị hỗ trợ tàu ngầm Nga, nhưng bị từ chối lịch sự và đó là điều không bất ngờ", Hải đội 3 hải quân Đan Mạch, đơn vị phụ trách vùng biển ngoài khơi Aarhus, bình luận trên tài khoản mạng xã hội Facebook.
Sự cố nhanh chóng được khắc phục và tàu ngầm Orel tiếp tục di chuyển mà không cần sự giúp đỡ của tàu kéo. Nhóm chiến hạm Nga sau đó đi về hướng bắc qua vùng biển Skagerrak giữa Đan Mạch và Na Uy. Sở chỉ huy quân đội Na Uy cho biết tàu ngầm Orel sau khi gặp sự cố đã di chuyển ở trạng thái nổi, nhưng sau đó đã lặn xuống biển.
Hải quân Nga chưa bình luận về thông tin này. Hạm đội Biển Bắc của hải quân Nga trước đó thông báo các tàu thuộc hạm đội sẽ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và diễn tập chiến thuật trong quá trình di chuyển phối hợp liên hạm đội đến những căn cứ đồn trú.
Các tàu ra vào biển Baltic đều phải đi qua lãnh hải Đan Mạch và Na Uy. Tàu chiến nước ngoài vì thế được quyền di chuyển qua khu vực này theo quy định quốc tế về “qua lại vô hại” (innocent passage), dưới sự hộ tống của tàu hải quân Na Uy và Đan Mạch.
Tàu ngầm Orel và các tàu hộ tống thuộc Hạm đội phương Bắc di chuyển ở vùng biển Baltic sau khi dự duyệt binh hải quân ở St. Petersberg hôm 25/7, kỉ niệm 325 ngày thành lập hải quân Nga. Orel là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình thế hệ ba thuộc Đề án 949A, được biên chế năm 1993 và là một trong ba tàu ngầm lớp Oscar II vẫn hoạt động trong Hạm đội Biển Bắc.
Với chiều dài 154 m và lượng giãn nước 16.400 tấn khi lặn, Orel là tàu ngầm lớn thứ 4 trên thế giới và là tàu ngầm mang tên lửa hành trình lớn nhất thế giới cho tới khi Mỹ hoán cải 4 tàu ngầm lớp Ohio vào năm 2007 để mang tên lửa Tomahawk. Tàu đạt vận tốc tối đa 60 km/h khi lặn, độ sâu tối đa tới 500 m.
Sức mạnh của tàu ngầm Orel tăng lên đáng kể sau khi được nâng cấp, cải hoán năm 2017. Điểm đáng chú ý nhất chính là việc 24 tên lửa diệt hạm P-700 Granit đã được thay thế bằng 72 tên lửa hành trình P-800 Oniks và 3M14K Kalibr. Đây là hai loại tên lửa hành trình siêu thanh, có thể diệt mục tiêu trên bộ và trên biển.
Có lực lượng tàu ngầm hùng mạnh hàng đầu thế giới, nhưng hải quân Nga cũng hay gặp phải sự cố liên quan đến tàu ngầm. Tháng 7/2019, một vụ cháy xuất hiện trên tàu ngầm do thám Losharik, khiến 14 thủy thủ thiệt mạng, gây ra những lo ngại về sự cố hạt nhân. Cũng trong tháng này, tàu ngầm hạt nhân Komsomolets bị chìm năm 1989 có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ ở vùng biển Barents gần đảo Bear của Na Uy. Năm 2000, hải quân Nga cũng phải hứng chịu tổn thất lớn khi tàu ngầm hạt nhân Kursk lớp Oscar thuộc Đề án 949A gặp nạn, làm toàn bộ 118 thủ thủ đoàn thiệt mạng.