Theo Tạp chí Quốc phòng Anh số ra ngày 30/10, ngày cập bến chính xác của nhóm tàu này, bao gồm bảy tàu chiến khác nhau, chưa được công khai.
Một số tàu trong nhóm sẽ cập cảng căn cứ hải quân Portsmouth thuộc Hải quân Hoàng gia Anh, trong khi tàu sân bay USS Gerald Ford sẽ phải thả neo bên ngoài khu vực Spithead do kích thước lớn. Tàu sân bay dài 333m này được thiết kế chở theo 90 máy bay và trực thăng các loại, bao gồm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35C.
Trong một thông báo của Hải quân Mỹ, sau khi rời khỏi cảng Hilifax (Canada), tàu sân bay USS Gerald Ford tiếp tục “tiến hành huấn luyện và hoạt động cùng với đồng minh NATO và các đối tác để tăng cường khả năng tương thích đối với các nhiệm vụ trong tương lai và thể hiện sự cam kết của Hải quân Mỹ đối với khu vực Đại Tây Dương hòa bình, ổn định và không có xung đột”.
Chỉ huy nhóm tàu tấn công Chuẩn Đô đốc Greg Huffman gọi đợt triển khai này là cơ hội để nâng cao khả năng hoạt động của tàu sân bay USS Gerald Ford và thể hiện những lợi thế mà nhóm tàu này đem đến cho tương lai hàng không hải quân, cho khu vực và cho các đồng minh.
Tàu sân bay USS Gerald Ford, chính thức đi vào hoạt động năm 2017, là tàu sân bay lớn nhất thế giới.
Theo Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Gerald Ford từng tham gia các cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia ở Đại Tây Dương cùng với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Canada, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan và Đức.
Nếu thông tin trên được xác nhận, đây sẽ trở thành nhóm tàu tấn công thứ hai của Mỹ ở vùng biển châu Âu. Hiện tàu sân bay USS George H W Bush cũng đang ở miền Nam châu Âu tham gia cuộc tập trận Neptune Strike 2022 tại Địa Trung Hải. Cuộc tập trận được tổ chức với sự tham gia của 80 máy bay các loại, 14 tàu chiến và khoảng 60.000 của 24 nước thành viên NATO.