Sự ra đời của đơn vị này diễn ra trong bối cảnh các lực lượng an ninh Philippines thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc bao vây đẫm máu của các nhóm phiến quân tại Zamboanga năm 2013 và Marawi năm 2017.
AFP-Socom đảm nhiệm toàn bộ quyền kiểm soát và giám sát các đơn vị hành động đặc biệt thuộc các lực lượng chủ chốt trong quân đội Philippines như Phi đội Đặc nhiệm Không lực, Đội Đặc nhiệm Hải quân, Trung đoàn Trinh sát bảo vệ, Trung đoàn lực lượng Đặc biệt, Trung đoàn phản ứng Ánh sáng do Mỹ huấn luyện và Đội Hành động Đặc biệt chung của Tổng hành dinh đặt tại Manila.
Quân đội Philippines trong chiến dịch tại thành phố Marawi năm 2017. Ảnh: Reuters |
Theo Đại tá Emmanuel Garcia, trụ sở của AFP Socom sẽ đặt tại Fort Magsaysay, tỉnh Nueva Ecija, thuộc Văn phòng các vấn đề công cộng của AFP.
Dẫn lời Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Rey Leonardo Guerrero, ông Garcia nói: “Sự thành lập, thống nhất của AFP Socom chính là kết quả bài học rút ra từ cuộc tấn công Zamboanga và cuộc bao vây Marawi”.
Tướng Guerrero khẳng định: “Về mặt cá nhân, tôi thấy sự cần thiết về một Socom chung với một lữ đoàn, sư đoàn và một chỉ huy khu vực. Trong Bộ Tư lệnh Đông Mindanao, tôi thấy cần một đơn vị duy nhất có thể giám sát việc triển khai các lực lượng hành động đặc biệt khác nhau tại cùng một khu vực".
Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Tôi hy vọng rằng tất cả những khoảng trống và thách thức mà chúng ta gặp phải trong hoạt động chung liên quan đến các lực lượng hành động đặc biệt của quân đội sẽ được giải quyết bằng việc thành lập AFP-Socom. Những cải tiến về tổ chức này sẽ đảm bảo AFP duy trì phản ứng và thích ứng với những thách thức hiện hữu và đang nổi lên trong môi trường an ninh toàn cầu”.
Tờ Manila Times (Philippines) đưa tin Thiếu tá Ronnie Evangelista đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh của AFP Socom.
Năm 2013, lực lượng phiến quân thuộc Mặt Trận Giải phóng Quốc gia Moro (MNLF) cùng với phiến quân đến từ Basilan, Sulu và các lực lượng địa phương đã tấn công thành phố Zamboanga, bắt thường dân làm con tin. Cuộc vây hãm kéo dài trong ba tuần, làm hàng trăm người chết và bị thương, và hơn 130.000 người rơi vào cảnh vô gia cư.
Đây là cuộc tấn công lần thứ hai kể từ năm 2001 sau khi MNLF bao vây Barangay Cabatangan ở Zamboanga và Jolo, Sulu, bắt giữ hơn 100 con tin dân sự. Cuối cùng chúng được tự do rời đi để đổi lấy con tin.
Các vụ tấn công xảy ra sau khi chính quyền Philippines từ chối yêu cầu của thủ lĩnh MNLF là Nur Misuari được "vĩnh viễn" nắm giữ quyền lực như là thống đốc của khu tự trị Hồi giáo sau khi ký hiệp định hòa bình vào tháng 9/1996. Sau khi cuộc nổi dậy thất bại, Misuari trốn thoát bằng thuyền đến Malaysia, bị bắt giữ tại đây và bị trục xuất trở lại Philippines. Tuy nhiên, cuối cùng cựu Tổng thống Gloria Aroy đã ân xá cho Misuari vào năm 2004.
Năm 2017, nhóm Maute, nhóm vũ trang hồi giáo địa phương có quan điểm ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng chiếm thành phố Marawi với mục đích thành lập một vương quốc Hồi giáo tại Lanao del Sur. Cuộc bao vây kéo dài trong 5 tháng và bị phá vỡ.
Cuộc xâm chiếm Marawi do anh em nhà Maute và Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf cầm đầu phần nào cho thấy sự suy yếu về mặt an ninh và sự thất bại về mặt tình báo của quân đội cùng cảnh sát Philippines. Đáng chú ý, tuần trước, trung tướng Carlito Galvez – Tổng chỉ huy quân đội khu vực trong suốt cuộc bao vây này đã được Tổng thống Duterte chỉ định làm người người đứng đầu AFP tiếp theo.