Vụ việc đầu độc cựu điệp viên chưa ngã ngũCựu điệp viên Sergei Skripal, trung tâm của cuộc căng thẳng ngoại giao Nga- phương Tây, đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và bắt đầu cải thiện tình trạng sức khỏe, hơn một tháng sau khi bị đầu độc tại Anh.
Ngày 6/4, đại diện bệnh viện Salisbury - nơi ông Skripal và con gái đang được điều trị- đã thông báo cả hai bệnh nhân đều đã có dấu hiệu tỉnh lại. Tuy nhiên, đại diện bệnh viện không xác nhận liệu ông Sergei và con gái có chịu ảnh hưởng về dài hạn hay không.
Cảnh sát Anh điều tra tại hiện trường vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái ở Salisbury ngày 10/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Diễn biến này được kỳ vọng sẽ giúp tìm ra nút tháo gỡ cho vấn đề căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây. Kể từ khi ông Skripal và con gái bất tỉnh tại thành phố Salisbury ngày 4/3 đến nay, căng thẳng đã bùng phát giữa Nga và phương Tây xoay quanh việc London cáo buộc Moskva có liên quan tới vụ việc. Cho đến nay đã có hơn 20 quốc gia theo chân Anh trục xuất 140 nhà ngoại giao Nga. Trong khi đó, Moskva cũng ra yêu cầu trục xuất các nhà ngoại giao Anh và Mỹ trên lãnh thổ Nga.
Cả Nga và Anh đều buộc tội lẫn nhau rằng phía còn lại đang lừa cả thế giới. Trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 2/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc Anh nhúng tay vào vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Theo Ngoại trưởng Lavrov, từ lùm xùm liên quan đến điệp viên Skripal và đổ tội cho Nga, Chính phủ Anh muốn kéo mọi chú ý rời xa thực thế rằng London đã không hoàn thành các cam kết liên quan tới Brexit. Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 5/4, Nga đã cảnh báo Anh rằng “các ngài đang chơi với lửa và sẽ phải xin lỗi vì những cáo buộc”.
Ngày 6/4, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với 24 công dân Nga trong đó gồm 7 doanh nhân và 17 quan chức chính phủ. Mỹ tuyên bố nguyên nhân áp đặt lệnh trừng phạt mới này là do “các hoạt động của chính phủ Nga nhằm gây bất ổn”. Cùng ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo nhấn mạnh Moskva sẽ đáp trả những lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mỹ- Trung 'nạt nộ' đánh thuế hàng hóa của nhauTuần vừa qua được khởi đầu bằng việc Trung Quốc vào ngày 2/4 áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như hoa quả, các loại hạt, rượu, thịt lợn… Đây được coi là lời đáp trả của Trung Quốc đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Một gian hàng ở New York (Mỹ) bán đồ sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 4/4, Trung Quốc công bố danh sách 106 mặt hàng của Mỹ như đậu tương, thịt bò đông lạnh, máy bay… bị đánh thuế. Danh sách này được Bắc Kinh đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính quyền Tổng thống Trump đề xuất 1.300 sản phẩm công nghiệp, công nghệ, y tế, giao thông của Trung Quốc có thể bị đánh thuế.
Đến ngày 5/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các quan chức Mỹ xem xét về mức thuế bổ sung 100 tỉ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong đã lên tiếng đánh giá hành động của Mỹ “vô cùng sai lầm” và phi lý.
Động thái ăn miếng trả miếng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến hàng loạt mã chứng khoán Wall Street “nhảy múa” trong ngày 6/4 với các chỉ số lớn đều giảm hơn 2%. Trong khi đó, cùng phiên giao dịch ngày 6/4 giá đồng USD cũng giảm.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) nhận định trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và cố vấn kinh tế cho Tổng thống Trump là ông Larry Kudlow đều khẳng định Washington sẵn sàng trao đổi về vấn đề này với Bắc Kinh thì con đường cho đàm phán vẫn chưa rõ ràng.
Các nhà phân tích tại công ty Oxford Economics có trụ sở tại Anh và Mỹ nhận định rằng trên thực tế “các mức thuế đe dọa” mà Trung Quốc và Mỹ đưa ra đều chưa có hiệu lực và đây sẽ là chủ đề cho đàm phán do vậy không nên coi đó là không thể thay đổi được nữa.
Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn ngừng bắn lâu dài tại SyriaLãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đều khẳng định về cam kết sớm đạt được “ngừng bắn lâu dài” tại Syria. Đây là tuyên bố chung của Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Iran Hassan Rouhani sau hội nghị 3 bên về Syria tổ chức tại Ankara ngày 4/4.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại cuộc gặp ở Ankara ngày 4/4. Ảnh: THX/TTXVN |
Cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã hợp tác để đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị tại Syria. Trước hội nghị ngày 4/4, trong tháng 11/2017, cả lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham dự sự kiện 3 bên tương tự tại Sochi, Nga.
Tổng thống Iran Rouhani khẳng định: “Chúng ta nên hỗ trợ cho tương lai của Syria. Không quốc gia nào có quyền quyết định tương lai của Syria. Tương lai của Syria thuộc về người dân quốc gia này”.
Ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có ảnh hưởng và sự can dự hết sức quan trọng đối với cục diện địa chính trị, và cả trên thực địa, tại Syria. Do vậy, giới quan sát đánh giá hội nghị ba bên lần này có thể hé lộ lối thoạt cho cuộc khủng hoảng dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/4, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump thể hiện quan điểm muốn rút binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên ngày 4/4 cho biết Tổng thống Trump chấp thuận để binh sĩ Mỹ hiện diện tại Syria thêm một thời gian để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng ông vẫn giữ quan điểm kéo quân nhân về nước sớm.
Trong khi đó, chính phủ Syria khẳng định nhóm phiến quân nổi dậy cuối cùng đã bắt đầu rời khỏi Đông Ghouta.