Chuyến công du khiến thế giới ‘ngã ngửa’Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN. |
Thông tin đầu tiên về chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh rộ lên vào tối 26/3 trên các phương tiện truyền thông quốc tế và mạng xã hội Trung Quốc sau khi hình ảnh đoàn tàu sơn màu xanh lá – chở theo nhà lãnh đạo Kim Jong-un, phu nhân Ri Sol-ju cùng các quan chức cấp cao – đi qua thành phố biên giới Đan Đông.
Chỉ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un an toàn trở về nước sau một ngày ở Bắc Kinh, hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc xác nhận có cuộc hội đàm cấp cao hai bên và công bố hình ảnh.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), hành trình của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc kéo dài 4 ngày, mặc dù phần lớn thời gian chuyến thăm là di chuyển bằng tàu.
Đến Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân. Hai bên đã trao đổi về quan hệ song phương và tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được xem xét, nếu Hàn Quốc và Mỹ thể hiện thiện chí. Ông Kim Jong-un cũng tái khẳng định sẵn sàng đối thoại và tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời mời của nhà lãnh đạo Triều Tiên đến thăm Bình Nhưỡng.
Đây là
chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi nhậm chức hồi cuối năm 2011. Chuyến thăm của ông Kim Jong-un diễn ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều trong tháng 5.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định lãnh đạo Triều Tiên đang cân nhắc về việc công du Nga, trong khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đang tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh với người đứng đầu Nhà nước Triều Tiên, để thảo luận vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc cách đây hàng thập kỷ.
Cuộc chiến ngoại giao leo thang
Nhân viên an ninh gác bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Mối quan hệ vốn chưa bao giờ êm ả giữa Nga với phương Tây đang bị đẩy lên nấc căng thẳng cực điểm với màn “ăn miếng trả miếng” trục xuất các nhà ngoại giao.
Nga ngày 29/3 tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố St. Petersburg.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận Moskva sẽ trục xuất 90 nhân viên ngoại giao của các quốc gia châu Âu và phương Tây, đúng bằng số lượng nhà ngoại giao Nga bị các nước này trục xuất, và 60 nhân viên ngoại giao Mỹ.
Tiếp đó, Chính phủ Anh ngày 30/3 cảnh báo đóng cửa trụ sở phái đoàn thương mại Nga ở phía Bắc thủ đô London do cáo buộc Moskva sử dụng tòa nhà này cho mục đích hoạt động tình báo.
Hàng chục nước châu Âu và Mỹ đồng loạt trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga liên quan vụ
cựu điệp viên Sergey Skripal cùng con gái bị đầu độc cách đây 3 tuần bằng chất độc thần kinh tại Anh. Dù chưa đưa ra được bằng chứng xác thực, song Anh vẫn cáo buộc Moskva là chủ mưu vụ tấn công. Khởi đầu màn trả đũa trên là quyết định của Chính phủ Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga vào 14/3, kéo theo 29 nước đồng minh, trong đó gồm Mỹ có động thái tương tự. Các quan chức phương Tây nói rằng nhiều người Nga là gián điệp và những vụ trục xuất này sẽ cản trở hoạt động gián điệp của Nga.
Phía Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc dính líu tới vụ việc đầu độc ở Salisbury, đồng thời tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả phù hợp. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh chính quyền Mỹ và Anh cần phải "chấm dứt các hành động thiếu suy nghĩ" hủy hoại quan hệ song phương.
Với việc trục xuất các nhà ngoại giao số lượng lớn, đây được coi là cuộc chiến ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang tới mức giới quan sát đang lo ngại "bóng ma" Chiến tranh Lạnh sẽ trở lại.