Kim tiêm mắc kẹt trong xương sống suốt 14 năm

Một phụ nữ ở California, Mỹ đã phải chịu đựng những cơn đau lưng kéo dài triền miên mà không biết rằng một phần mũi tiêm gây mê đã mắc kẹt trong xương sống suốt 14 năm.

Ảnh minh họa.

Cô Amy Bright (41 tuổi) sinh con thứ 6 bằng phương pháp mổ đẻ tại một bệnh viện hải quân ở thành phố Jacksonville, bang Florida, Mỹ vào năm 2003.

Tuy nhiên, hai tháng sau khi sinh, cô bắt đầu bị những cơn đau lưng dữ dội quấy rầy. Theo báo Anh Daily Mail, tháng 11/2017, sau lần chụp CT vì cơn lưng kéo dài hơn 10 năm, hình ảnh phim cho thấy trong xương sống của cô có một đoạn kim gây tê dài khoảng 3 cm bị mắc kẹt.

Cây kim, được cho là đã bị gãy trong lúc cô được gây tê vào 14 năm trước, đã làm tổn hại các dây thần kinh tạo ra những cơn đau lưng kéo dài khiến cô rất khó khăn trong việc di chuyển.

Cô Bright cho biết: “Tôi thực sự rất lo lắng, buồn bã và sợ hãi. Mỗi lần tôi di chuyển, đi, cúi người, chuyển mình hay ngủ thì cái kim đó chắc hẳn cũng chuyển động trong xương sống của tôi. Trong suốt 14 năm, tôi đã khiến nhiều mô bị sẹo trong xương sống chỉ vì cây kim đó. Tôi thực sự rất tức giận.”

Cô Bright và luật sư đại diện Sean Cronin cho rằng, bệnh viện Florida mặc dù biết việc cây kim bị gãy và mắc kẹt nhưng đã bỏ qua, trong khi lẽ ra những cơn đau này đã không xảy ra nếu như cây kim được loại bỏ kịp thời trong quá trình mổ đẻ của Bright.

Đại diện Cronin nói: “Đây là một sự che giấu. Kim gây mê dài từ 9 đến 10 cm và trên mũi kim có một đầu nhỏ để các bác sĩ kiểm tra xem cây kim còn nguyên vẹn hay không.”

Theo các chuyên gia, các bác sĩ phải biết về việc này bởi cây kim đã ngắn đi nhiều và phần đầu an toàn vẫn nằm trong xương sống của cô ấy.

Ông Cronin cho rằng nếu như cây kim được lấy ra ngay từ 14 năm trước thì những cơn đau và phần dây thần kinh bị tổn thương mà khách hàng của ông phải trải qua đã có thể tránh được. Nếu giờ lấy đầu kim đó ra, cô Bright có thể sẽ bị liệt suốt phần đời còn lại.

Hiện giờ cô Bright đang phải phụ thuộc vào thuốc giảm đau và và vật lý trị liệu để làm giảm các cơn đau. “Cơn đau ngày càng tồi tệ hơn. Chân của tôi giờ đã rất yếu và có lẽ tôi sẽ phải đi bằng xe lăn. Tôi không biết tương lai sẽ ra sao”.

Trong suốt những năm qua, cô Bright đã đến gặp rất nhiều bác sĩ và cũng được kê thuốc giảm đau, giãn cơ và các loại thuốc khác để điều trị cơn đau. Việc chụp CT vốn là để kiểm tra xem cô có phải bị mắc chứng đau dây thần kinh hông. Tuy nhiên, cô Bright phát hiện ra sự thực đáng sợ hơn.

Kể từ 2014, có ít nhất14 vụ tố tụng đối với bệnh viện Florida. Cô Bight là người thứ 15 kiện bệnh viện này vì những hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chữa trị cho bệnh nhân.

Vào năm 2005, một thẩm phán đã yêu cầu bệnh viện bồi thường 40 triệu USD cho một gia đình của một em bé 2 tuổi bị tổn thương não do bệnh viện đã không tiến hành mổ đẻ đúng thời điểm.

Tú Uyên/Báo Tin tức
Vì sao Nhật Bản đột ngột muốn đàm phán cấp cao với Triều Tiên?
Vì sao Nhật Bản đột ngột muốn đàm phán cấp cao với Triều Tiên?

Sau nhiều năm thực hiện chính sách cô lập ngoại giao, bỗng chốc mọi nước đều muốn đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN