Theo đó, một biệt đội gồm 300 binh sĩ Mali, cùng đội hộ tống của Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc (MINUSMA) đã tới Kidal. Đây được coi là một bước đi quan trọng của chính quyền Bamako giành lại quyền kiểm soát đối với vùng lãnh thổ rộng lớn trong bối cảnh hoạt động của các nhóm thánh chiến ở nước này đang gia tăng. Ngoài Kidal, các đơn vị quân đội tương tự sẽ được triển khai đến các thành phố phía Bắc Mali gồm Menaka, Gao, Timbuktu.
Kể từ năm 2012, các nhóm phiến quân đã chiếm giữ phần lớn lãnh thổ ở miền Bắc Mali. Xung đột và tình trạng bất ổn an ninh đã lan ra miền Trung nước này và lan sang các nước láng giềng như Burkina Faso và Niger. Bất chấp sự hiện diện của quân đội nước ngoài, trong đó có lực lượng Barkhane của Pháp và MINUSMA, các vùng đất rộng lớn ở miền Bắc Mali vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Xung đột đã khiến hàng nghìn binh lính và thường dân thiệt mạng. Năm 2015, thoả thuận hoà bình giữa Chính phủ Mali và các nhóm phiến quân đã được ký kết tại Algiers. Việc quân đội nước này được triển khai trở lại Kidal được coi là một yếu tố quan trọng nhằm thực thi thoả thuận trên và chấm dứt sự thiếu kiểm soát kéo dài nhiều năm, mở ra cơ hội đàm phán giữa chính phủ và các nhóm thánh chiến.
Trước đó, Tổng thống Mali Ibarhim Boubacar Keita xác nhận đã liên lạc với một số nhóm phiến quân, một lựa chọn mà chính phủ đã từng từ chối trước đây. Theo ông Keita, số người thiệt mạng vì bạo lực và xung đột ở khu vực Sahel đang gia tăng nhanh chóng, buộc các bên liên quan phải tính toán thực hiện các giải pháp. Cựu Tổng thống Dioncounda Traore dự kiến sẽ trở thành phái viên của ông Keita trong quá trình liên lạc với các nhóm phiến quân thời gian tới đây.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Bỉ Philippe Goffin cho biết nước này đang cân nhắc tham gia thực hiện sáng kiến về quân sự do Pháp đề xuất tại Mali nhằm tập hợp các lực lượng quân sự đặc biệt của một số quốc gia. Theo ông Goffin, Bỉ hiện đang có một chính phủ lâm thời, trong khi việc cử quân đội tham gia một hoạt động như vậy đòi hỏi một chính phủ có đầy đủ nhiệm kỳ và phải được Quốc hội thông qua.