“Quái thú” xây đảo nhân tạo của Trung Quốc về xưởng duy tu

Sau khi tham gia bồi đắp phi pháp một loạt bãi, đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo, tàu hút trộn bùn hỗn hợp Thiên Kình của Trung Quốc, vốn được mệnh danh là “quái thú lấp biển”, đã trở về xưởng để duy tu.

Tàu hút, trộn bùn hỗn hợp Thiên Kình của Trung Quốc. Ảnh: THX

Theo truyền thông Trung Quốc, tàu Thiên Kình do Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Thương mại Thâm Quyến chế tạo, dài 127 mét, rộng 23 mét, là tàu hút trộn bùn hỗn hợp tự hành lớn nhất châu Á, mỗi giờ có thể hút, trộn được 4.500 mét khối hỗn hợp cát và nước biển phun ra nơi xa nhất là ngoài 6.000 mét.


Từ tháng 12/2013 tới nay, tàu Thiên Kình đã nhiều lần ra tác nghiệp phi pháp ở 5 bãi, đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam), gồm: Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) và Đá Ga Ven (Gaven Reef).


Với tốt độ hút, trộn như trên, trong 174 ngày tác nghiệp phi pháp ở Trường Sa, tàu Thiên Kình có thể đã bồi đắp khoảng 10 triệu mét khối hỗn hợp cát, đất và nước biển, tương đương 3 lần lượng bê tông dùng xây siêu đập Hoover ở Mỹ.


Vì thế, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã gọi tàu Thiên Kình là “quái thú lấp biển”. Hiện nay, con “quái thú” này đã trở về xưởng duy tu, cho thấy công cuộc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cuối.

Hình ảnh vệ tinh năm 2015 cho thấy sự thay đổi chóng mặt các đá, bãi mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam.

Liên quan tới các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi".


Việt Nam "kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.


Hoạt động xây dựng phi pháp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trái ngược với những gì Bắc Kinh tuyên truyền.


Hồi cuối tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố có "hơn 40 quốc gia" ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông.


Tuy nhiên, trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc ở Biển Đông, báo điện tử The Diplomat của Nhật Bản cho biết tới nay chỉ có 6 quốc gia công khai ủng hộ lập trường của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Các quốc gia như Slovenia và Fiji thẳng thừng phủ nhận khi Trung Quốc lèo lái nói rằng họ ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.


Trong một diễn biến liên quan, Giáo sư sinh thái và sinh học biển John McManus thuộc Đại học Miami mới đây đã viết bài về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho rằng cách Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô xinh đẹp tại Biển Đông.


Trước đó, vào ngày 12/4, Ủy ban Đánh giá an ninh kinh tế Mỹ - Trung đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ báo cáo chỉ rõ hoạt động của Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo ở Biển Đông có thể đã hủy hoại các rạn san hô, phá vỡ nguồn cá tại khu vực, đồng thời vi phạm luật quốc tế về bảo vệ môi trường.


Hoàng Hà
Mỹ bất ngờ điều động 6 cụm tàu chiến đấu sân bay
Mỹ bất ngờ điều động 6 cụm tàu chiến đấu sân bay

Đây là một quyết định rất hiếm thấy bởi từ năm 2012 tới nay, người ta mới chỉ thấy một lần Mỹ điều động liền lúc 4 cụm tàu chiến đấu sân bay làm nhiệm vụ. Và nó càng được chú ý hơn trước thềm phán quyết liên quan tới vấn đề Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN