Pháp tăng cường hợp tác quân sự với Armenia

Armenia, một đối tác quân sự truyền thống của Nga, đang hướng đến Pháp để hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna (trái) thông báo đồng ý cung cấp thiết bị quân sự cho Armenia vào đầu tháng này. Ảnh: Reuters

Theo tờ Politico của Mỹ ngày 26/10, Pháp đang bán các thiết bị quân sự như hệ thống phòng không cho Armenia, do lo ngại ngày càng tăng rằng Azerbaijan có thể tiếp tục kiểm soát khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh sau một cuộc tấn công vào tháng trước.

Đầu tuần này, Armenia đã ký hợp đồng mua 3 radar Ground Master 200 do tập đoàn Thales của Pháp sản xuất cũng như một hợp đồng khác với công ty Safran về thiết bị bao gồm ống nhòm và cảm biến. Armenia và Pháp cũng đã ký ý định thư nhằm khởi động việc mua hệ thống phòng không Mistral do tập đoàn MBDA sản xuất.

Hợp tác quân sự giữa Pháp và Armenia tập trung vào 3 trụ cột: hỗ trợ lực lượng vũ trang Armenia; phòng không không quân; và chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu của bộ binh, cụ thể hơn là về chiến đấu trên bộ, tác chiến vùng sơn cước.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết hợp tác quân sự song phương giữa hai bên sẽ được tăng cường trong suốt năm 2024. Các chuyên gia quân sự Pháp sẽ đến Armenia để hỗ trợ huấn luyện cho binh sĩ nước này, trong khi một phái đoàn Armenia sẽ đến Pháp để thăm trường quân sự của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp. Trong những tháng tới, Paris sẽ cử một quan chức quân sự Pháp làm cố vấn quốc phòng cho cơ quan hành pháp của Armenia.

Có thể dễ dàng nhận thấy tình cảm ủng hộ Armenia trong chính sách đối ngoại của Pháp, khi vào tháng 11/2022, Thượng viện Pháp đã thông qua nghị quyết trừng phạt và lệnh cấm vận Azerbaijan cũng như hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này sang EU. Trong khi đó, người Armenia có cộng đồng người di cư lớn ở nhiều nước phương Tây và hai trong số những trung tâm lớn nhất là Mỹ và Pháp. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cộng đồng người Armenia di cư có rất nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là ở Pháp.

Tuy nhiên, Armenia vẫn là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga đứng đầu và có thỏa thuận quốc phòng song phương với Nga. Nga hiện có khoảng 10.000 quân ở Armenia, trong đó 5.000 quân đóng tại căn cứ quân sự số 102 của Nga ở Gyumri. Cho đến nay, Nga cũng là đối tác thương mại lớn của Armenia và sự phụ thuộc kinh tế của Yerevan vào Moskva chỉ tăng lên kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Công Thuận/Báo Tin tức
Lãnh đạo Iraq, Pháp kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza
Lãnh đạo Iraq, Pháp kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia’ Al-Sudani và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 22/10 đã kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza để tránh những hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình khu vực và thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN