Tuy nhiên, việc xuất khẩu chiến đấu cơ sẽ chỉ hạn chế đối với các quốc gia có thỏa thuận về chuyển giao thiết bị quân sự với Tokyo, hiện nay là 15 quốc gia. Ngoài ra, Nhật Bản cũng không xuất khẩu chiến đấu cơ đến những quốc gia có liên quan đến xung đột.
Quyết định tạo điều kiện cho buôn bán vũ khí quốc tế này dự kiến giúp đảm bảo vai trò của Nhật Bản trong dự án chiến đấu cơ chung. Bên cạnh đó, đây cũng là động thái hỗ trợ xây dựng ngành công nghiệp vũ khí của Tokyo, đẩy mạnh vai trò của Nhật Bản trong an ninh toàn cầu.
Nội các Nhật Bản còn ủng hộ việc duyệt lại chỉ dẫn về chuyển giao công nghệ và thiết bị vũ khí Nhật Bản để mở đường cho các vũ khí sát thương là sản phẩm phối hợp sản xuất với quốc gia khác, được bán ra nước ngoài.
Nhật Bản từ lâu đã hạn chế xuất khẩu vũ khí. Điều này nằm trong Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản áp dụng Hiến pháp hòa bình trong đó quy định hạn chế quân đội ở mức phòng vệ. Nhật Bản còn duy trì chính sách nghiêm ngặt đối với chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự đồng thời cấm xuất khẩu vũ khí sát thương. Tuy nhiên, Tokyo đang có nhiều động thái để dần bãi bỏ các quy định, trong bối cảnh căng thẳng khu vực và toàn cầu gia tăng.
Nhật Bản đã bắt tay Italy và Anh để phát triển chiến đấu cơ tiên tiến mới thay thế phi đội F-2 do Mỹ thiết kế cũng như các tiêm kích Eurofighter Typhoon.
Trước đó, Nhật Bản đã dồn nhiều tâm huyết cho chiến đấu cơ F-X thiết kế trong nước. Tuy nhiên, vào tháng 12/2022, Nhật Bản nhất trí sáp nhập chương trình này với Anh và Italy. Thỏa thuận phối hợp giữa ba bên có tên Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP).
Thỏa thuận đặt mục tiêu đến năm 2035 đưa chiến đấu cơ mới đi vào hoạt động. Giai đoạn phát triển chung của chương trình sẽ bắt đầu vào năm 2025. Trụ sở chính phủ chung của Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) sẽ nằm tại Anh.