“Tôi biết cách chấm dứt xung đột ngay lập tức”, ông Borrell nói trên chương trình El Intermedio của đài truyền hình La Sexta (Tây Ban Nha) hôm 10/5. “Ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine và Kiev sẽ phải đầu hàng trong vài ngày tới. Thế là xong, xung đột đã kết thúc”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU tuyên bố.
Ông Borrell thừa nhận rằng đó sẽ không phải là kết quả mà EU và các quốc gia phương Tây khác mong muốn. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối cũng tuyên bố rằng việc chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột theo các điều khoản này sẽ khiến Ukraine bị tước đoạt các quyền tự do.
Ông cho biết thêm rằng Nga đã nhiều lần khẳng định sẽ không kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine lại cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu mà nước này đặt ra.
Bình luận về tuyên bố của ông Borrell, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak viết trên Twitter: “Việc phương Tây rút viện trợ quân sự cho Ukraine chắc chắn không thể chấm dứt xung đột ngay lập tức. Điều đó sẽ chỉ khiến xung đột leo thang hơn nữa khi các hành động thù địch sẽ lan sang các vùng lãnh thổ khác”.
Tuyên bố của ông Borrell được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hoài nghi về các nỗ lực hòa bình của Brazil và Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn tờ El Pais của Tây Ban Nha hôm 9/5, ông Guterres nói rằng bất kỳ nỗ lực hòa giải nào cũng sẽ vô ích vì cả hai bên trong cuộc xung đột vẫn tham gia đầy đủ vào cuộc chiến.
Hồi cuối tháng 4, Điện Kremlin đã bày tỏ ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng khẳng định họ sẽ đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với lý do bảo vệ người dân Donbass, cũng như do Kiev không tuân thủ Hiệp định hòa bình Minsk 2014 – 2015. Ông Putin cho biết Nga đang tìm cách “phi quân sự hóa” và “phi hạt nhân hóa” Ukraine.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev đã bị đình trệ kể từ lần cuối cùng được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3 năm ngoái. Cho đến nay, hai bên vẫn bất đồng về các điều khoản đi tới thỏa thuận hòa bình. Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moskva đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine hồi tháng 11 năm ngoái đã công bố công thức hòa bình gồm 10 điểm tại hội nghị thượng đỉnh G20, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch tại Ukraine.