Lý do xe tăng Abrams của Mỹ sẽ không tham gia cuộc phản công của Ukraine

Đầu năm nay, chính quyền Mỹ đã nhượng bộ và đồng ý gửi cho Ukraine xe tăng Abrams, nhưng có một lý do khiến xe tăng này sẽ không tham gia cuộc phản công sắp tới của Ukraine.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ điều khiển xe tăng M1 Abrams tham gia cuộc tập trận tại Oppdal, Na Uy ngày 1/8/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ USA Today, đó là bởi vì Mỹ đang thay đổi các xe tăng Abrams để loại bỏ công nghệ nhạy cảm mà Mỹ sợ có thể rơi vào tay quân đội Nga. Các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ cho biết đây là một biện pháp phòng ngừa cần thiết trong trường hợp phía Nga chiếm được một trong những chiếc xe tăng này và khai thác cho mục đích tình báo.

Ông Colin Smith, một chuyên gia về quân sự Nga tại tổ chức tư vấn RAND, cho biết: “Xe tăng này có thể mang lại hoặc không mang lại cơ hội cho Nga thử nghiệm và tìm kiếm các lỗ hổng”.

Tương tự, chính phủ Mỹ cũng gửi xe tăng cho các chính phủ nước ngoài sau khi đã loại bỏ một số công nghệ. Lầu Năm Góc giữ lại các tính năng cao nhất cho quân đội Mỹ.

Xe tăng Abrams rất mạnh, nhanh và được bọc thép dày. Nặng khoảng 70 tấn, Abrams được phát triển thời Chiến tranh Lạnh và là những chiếc xe tăng đầu tiên được giao cho Lục quân Mỹ vào năm 1980. Xe tăng Abrams tham chiến lần đầu tiên vào năm 1991 trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc ở Iraq.

Trước khi gửi cho Ukraine, những chiếc xe tăng Abrams được sơn màu xanh lục. Đây là thay đổi so với màu ngả vàng quen thuộc sau nhiều thập kỷ xe tăng này tham chiến ở Trung Đông.

Lần này, một mối quan tâm lớn là lớp giáp bảo vệ trên phiên bản tiên tiến hơn của xe tăng Abrams và làm thế nào để lớp giáp đó có thể bị xuyên thủng. Nếu rơi vào tay lực lượng Nga, một chiếc xe tăng Abrams bị hư hỏng có thể được phục hồi phần lớn nguyên vẹn.

Theo hai quan chức Mỹ giấu tên, các xe tăng công nghệ thấp hơn mà Ukraine nhận được sẽ không có các bộ phận nhạy cảm mà người Nga có thể khai thác. Cả hai loại xe tăng đều có chung một khẩu súng 120 mm, nhưng phiên bản M1A2 hiện đại hơn có những cải tiến, như hệ thống nhắm bắn.

Vào tháng 1, Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch chuyển 31 xe tăng Abrams M1A2 tới Ukraine sau nhiều tháng Ukraine đề nghị. Họ muốn sử dụng loại phương tiện hiện đại này để giành lại lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ kể từ khi tháng 2/2022.

Chú thích ảnh
Xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất khai hoả. Ảnh: Getty Images

Vào tháng 3, Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch tăng tốc độ điều xe tăng tới Ukraine bằng cách cung cấp một phiên bản xe tăng M1A1 ít phức tạp hơn. Mỹ cho rằng có thể thay đổi những chiếc xe tăng này nhanh hơn.

Xe tăng và xe bọc thép cần phải sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine vào mùa thu. Trong khi đó, giao tranh ở miền Đông Ukraine, nơi xe tăng sẽ được gửi đến, đang rất khốc liệt.

Một số quan chức quân sự nói rằng việc Mỹ sửa đổi xe tăng Abrams trước khi triển khai ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng tới thời gian giao xe tăng. Vì cho dù xe tăng Abrams sẵn sàng ngay hôm nay thì lực lượng Ukraine cũng chưa thể sẵn sàng đưa chúng vào chiến đấu. Đại tá Lục quân Martin O'Donnell, phát ngôn viên của Lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi cho biết binh sĩ Ukraine cần khoảng 10 tuần huấn luyện, sẽ bắt đầu vào cuối tháng này tại Đức.

Theo ông O'Donnell, trên thực tế, thời gian Mỹ giao xe tăng M1A1 cho Ukraine đang diễn ra nhanh chóng vì có thể mất nhiều năm để thay đổi một hệ thống vũ khí lớn như xe tăng. Binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện với những chiếc xe tăng tương tự như những chiếc xe Abrams đang được Mỹ sửa đổi.

Tuy nhiên, trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ (Thượng viện Mỹ) ngày 27/4, thượng nghị sĩ Tom Cotton đã chỉ trích chính quyền Mỹ vì đã chần chừ trong cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có cả xe tăng. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể cung cấp vũ khí nhanh hơn 8 hoặc 9 tháng, nếu có ý chí chính trị”.

Trái lại, một số người trong quân đội Mỹ cảnh báo rằng xe tăng không phải là điều quan trọng nhất để Ukraine đánh bại Nga. Tháng trước, tại một cuộc họp giữa các đồng minh của Ukraine ở Đức, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng xe tăng Abrams sẽ mang lại cho Ukraine một lợi thế nhưng không phải là quyết định.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tất cả thành viên các NATO đều ủng hộ Ukraine gia nhập khối
Tất cả thành viên các NATO đều ủng hộ Ukraine gia nhập khối

Tổng thư ký Tổ chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết tất cả các quốc gia thành viên đều ủng hộ Ukraine gia nhập khối, nhưng phải sau khi xung đột với Nga kết thúc. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN