Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông đã có các cuộc gặp riêng với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov và người đồng cấp Armenia Zohrab Mnatsakanyan trong hai ngày 20 và 21/10. Tuy nhiên, hai quan chức ngoại giao của Azerbaijan và Armenia không có cuộc gặp trực tiếp nào tại Moskva. Theo tuyên bố, trong các cuộc gặp tại Moskva, các bên đã thảo luận những vấn đề cấp bách liên quan đến việc thực thi các thỏa thuận ngừng bắn và tạo điều kiện để đạt được một giải pháp lâu dài nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Azerbaijan chỉ cho biết nhà ngoại giao hàng đầu của nước này đã đến Moskva để "tham vấn", trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia Anna Nagdalyan cho biết Ngoại trưởng Mnatsakanyan đã gặp người đồng cấp Lavrov vào ngày 21/10.
Theo kế hoạch, hai Ngoại trưởng của Azerbaijan và Armenia sẽ đến Mỹ để gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 23/10 tới. Tuy nhiên, tại Mỹ dự kiến cũng sẽ chỉ diễn ra các cuộc gặp riêng rẽ giữa Ngoại trưởng Mỹ với người đồng cấp Azerbaijan và Armenia, không có cuộc gặp ba bên.
Hiện Nga, Mỹ và các cường quốc trên thế giới đang tìm cách thuyết phục các bên xung đột tại Nagorny-Karabakh ngừng cuộc giao tranh vốn đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trước đó, trong cuộc tham vấn theo sáng kiến của Nga, Azerbaijan và Armenia đã đồng ý ngừng bắn từ ngày 10/10 vì mục đích nhân đạo nhằm trao đổi tù binh và thi thể những người thiệt mạng, song lệnh ngừng bắn này đã đổ vỡ ngay sau khi có hiệu lực. Một tuần sau đó, các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan lại thông báo "thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo" thứ 2, nhưng cả hai bên cũng tiếp tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
Cũng trong ngày 21/110, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho rằng không có giải pháp ngoại giao nào cho cuộc xung đột Nagorny-Karakbakh ở giai đoạn này. Ông Pashinyan nói: "Mọi điều mà có thể chấp nhận được về mặt ngoại giao đối với phía Armenia... thì lại không chấp nhận được đối với Azerbaijan".
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến gần một nghìn người thiệt mạng.