Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), nhiều quan chức Mỹ và chuyên gia quân sự cho rằng khó có thể đánh giá mức độ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc vốn là hai quốc gia kiểm soát thông tin chặt chẽ. Nhưng nhiều quan chức phương Tây và chuyên gia quốc phòng lại tin rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng thân thiết hơn dựa trên diễn biến liên quan đến hợp tác kinh tế, tập trận và phát triển quốc phòng chung cũng như phát biểu từ lãnh đạo hai quốc gia.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 6/2021 cho biết mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva đã sẵn sàng đạt đến “quy mô lớn hơn, lĩnh vực rộng hơn và cấp độ sâu hơn”. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quan hệ với Trung Quốc đã ở mức lịch sử.
Nga và Trung Quốc còn tăng cường liên kết về thương mại, công nghệ và năng lượng. Trong 6 năm qua, Tổng thống Vladimir Putin cùng Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ trên 30 lần. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đánh giá rằng Bắc Kinh cùng Moskva đang ở mức ủng hộ lẫn nhau cao nhất trong 60 năm qua.
Việc Mỹ đối đầu với Nga và Trung Quốc đã đẩy hai nước này xích lại gần nhau. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc và Nga mong muốn kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ cũng như tiềm lực quân sự và tài chính của nước này, điều mà Bắc Kinh cùng Moskva tin rằng có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu hợp tác với nhau.
Tháng 8/2021, khi Mỹ phải bận rộn với tình hình ở Afghanistan, quân đội Trung Quốc và Nga đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở Tây Bắc Trung Quốc. Khoảng 13.000 binh sĩ cùng hàng trăm chiến đấu cơ, máy bay không người lái, pháo, khẩu đội phòng không và xe bọc thép đã tập trung tại Ninh Hạ (Trung Quốc). Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết các cuộc tập trận phản ánh "mức độ phát triển cao của mối quan hệ giữa quân đội hai nước". Đến tháng 10/2021, Nga và Trung Quốc còn tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung ngoài khơi bờ biển Viễn Đông của Nga.
Đánh giá Mối đe dọa Toàn cầu của cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện vào năm 2019 là báo cáo đầu tiên coi hợp tác giữa Trung Quốc và Nga à mối đe dọa khu vực. Báo cáo này có đoạn: “Chúng tôi dự đoán rằng họ sẽ hợp tác để chống lại các mục tiêu của Mỹ”.
Quan hệ Nga-Trung gia tăng dưới áp lực của Mỹ, khởi đầu từ năm 2014. Khi đó, Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga do sáp nhập Crimea. Tháng 10/2021, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Có điểm chung giữa Moskva và Bắc Kinh về những gì chúng tôi không thích trong chính trị của Washington. Chúng tôi không thích sự thiếu tôn trọng lẫn nhau trong phương pháp của Mỹ. Chúng tôi thích nguyên tắcg không can thiệp. Về vấn đề này, Nga và Trung Quốc khá gần với nhau”.
Trong nhiều thập niên dẫn đến bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc, Nga luôn đóng vai trò nhà cung cấp vũ khí chính. Sau một quãng thời gian bất hòa chính trị, mối quan hệ được nối lại vào năm 2014 với việc Trung Quốc đồng ý mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Một năm sau, Trung Quốc đặt mua máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất.
Năm 2019, nhà lãnh đạo Nga Putin cho biết nước này và Trung Quốc đang phát triển hệ thống cảnh báo sớm chống tên lửa cho Bắc Kinh. Đến năm 2020, ông nói rằng Nga đang hỗ trợ quân đội Trung Quốc một công nghệ rất nhạy cảm mà ông không thể nói đến. Truyền thông nhà nước Nga sau đó đưa tin rằng Trung Quốc và Nga đang phát triển một loại tàu ngầm tối mật.
Về phần Trung Quốc, việc nước này phát triển các vi mạch tiên tiến đã tạo cho Nga con đường tiếp cận công nghệ quân sự vốn bị “chặn đường” bởi lệnh trừng phạt phương Tây.
Năm 2018, lần đầu tiên Nga mời Trung Quốc đến dự cuộc tập trận thường niên lớn nhất của nước này. Tháng 10/2021, hai nước tổ chức tập trận hải quân chung tại Biển Nhật Bản. Đến tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã họp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc. Sau sự kiện này, hai nước thống nhất tăng cường tương tác của lực lượng vũ trang qua tập trận chung chiến lược và tuần tra chung.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc và Nga không có liên minh quân sự chính thức. Mặc dù vậy, mối quan hệ ngày càng tăng của hai nước cũng đủ tạo ra tác động đến quan hệ với Mỹ. Ông Andrea Kendall-Taylor tại Trung tâm vì An ninh Mỹ mới ở Washington đánh giá: “Trong mối quan hệ giữa 3 quốc gia, bạn không hề muốn là bên đứng đối lập với 2 nước còn lại”.
Một đề xuất để chia rẽ Moskva và Bắc Kinh là Mỹ “nhẹ nhàng” trong tiếp cận với Nga và kéo nước này rời xa Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá rằng chiến lược như vậy là “non nớt”. Ông Michael Kofman tại kênh CAN (Singapore) đánh giá: “Sẽ không thể thuyết phục Nga rằng họ nên trở thành kẻ thù với một quốc gia mạnh như Trung Quốc”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng bản thân Trung Quốc và Nga có tồn tại cạnh tranh lợi ích tại Trung Á, Ấn Độ và Bắc Cực. Điều này sẽ gây khó cho việc trở thành đồng minh toàn phần. Bên cạnh đó, hệ thống phòng thủ tại Trung Quốc và Nga không tương thích hoàn toàn, gây hạn chế hiệu quả của việc chỉ đạo chung.