Trả lời họp báo ngày 18/1, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán để duy trì hiệp ước New START và nhấn mạnh: "Ưu tiên quan trọng nhất là tình trạng bất thường trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Chúng tôi đã biết về ý định nối lại đối thoại về vấn đề này của chính quyền ông Biden và cố gắng nhất trí gia hạn hiệp ước New START trước khi hết hạn vào ngày 5/2. Chúng tôi đang chờ các đề xuất cụ thể, lập trường của chúng tôi không thay đổi".
Trước đó, các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng giữa Nga và chính quyền Tổng thống Donald Trump về gia hạn Hiệp ước New START đã không thu hẹp được bất đồng và hiệp ước sẽ hết hạn trong hơn 2 tuần tới. Ông Biden đã lên tiếng ủng hộ duy trì New START, văn kiện mà ông đã từng tham gia đàm phán trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ.
New START dự kiến có thể được gia hạn 5 năm và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng Moskva sẵn sàng kéo dài vă kiện này mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Điện Kremlin cũng lên tiếng sẵn sàng gia hạn hiệp ước trong thời gian ngắn hơn như chính quyền của Tổng thống Trump đã cân nhắc.
Các cuộc đàm phán về việc gia hạn hiệp ước đã bị gián đoạn do căng thẳng giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine, sự liên quan của Moskva trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và một số vấn đề khác.
New START giữa Nga và Mỹ được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Các điều khoản trong hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai. Thỏa thuận quy định, Nga và Mỹ mỗi năm 2 lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng tên lửa. Ngày 5/2/2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong New START và sau đó đến 5/2/2021, hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.