Nga không loại trừ biện pháp quân sự trước mối đe dọa tên lửa từ phương Tây

Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/4 tuyên bố các kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất của Anh và Mỹ đang khiến quá trình ngăn chặn tình huống leo thang nghiêm trọng giữa các bên trở nên khó khăn hơn nhiều.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không tên lửa Aegis của Mỹ được phóng thử tại đảo Kauai (Hawaii). Ảnh: AP

Theo đài Sputnik, Bộ Ngoại giao Nga cũng không loại trừ việc sử dụng các biện pháp quân sự để đáp trả trước mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng từ phương Tây.

Trong một vài tuần qua, Lầu Năm Góc đã có một vài tuyên bố về những bước đi thực tế nhằm triển khai các loại tên lửa trước đó bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Bên cạnh đó, quân đội Anh cũng tham gia căng thẳng với các hành động và tuyên bố gây bất ổn.

“Động thái triển khai các chương trình quân sự như vậy dẫn đến việc thu hẹp giải pháp chính trị và ngoại giao cho vấn đề hậu INF và ngăn chặn leo thang nghiêm trọng trong lĩnh vực tên lửa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh.

Người phát ngôn tiếp tục cho biết những diễn biến này đang xảy ra trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ và đa số các đồng minh của Washington trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO không thể hiện tín hiệu rõ ràng.

"Chúng tôi chắc chắn không đóng cửa đối thoại, nhưng xem xét tình hình đang diễn ra, chúng tôi không loại trừ Nga sẽ buộc chuyển trọng tâm sang các biện pháp đáp trả quân sự và kỹ thuật đối với các mối đe dọa tên lửa đang gia tăng", nữ phát ngôn viên cảnh báo.

Năm 2019, Mỹ đã rút khỏi INF với Nga và tiến hành thử nghiệm một thế hệ mới tên lửa hành trình và đạn đạo tầm trung trên mặt đất. Một số phương tiện truyền thông đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với mạng lưới tên lửa đất đối đất tại các cơ sở quân sự trong khu vực.

Trong khi đó, London tháng trước đã công bố kế hoạch mở rộng quy mô kho vũ khí hạt nhân từ 180 đầu đạn lên 260 đầu đạn được triển khai vào năm 2030.

Hiệp ước INF được nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký kết vào năm 1987. Hiệp ước quy định cấm hai bên phát triển, xây dựng hoặc triển khai các tên lửa trên mặt đất có phạm vi hoạt động từ 500km đến 5.500km.

Năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã tuyên bố chấm dứt INF. Đến đầu tháng 2/2021, Washington đã nhất trí gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) thêm 5 năm sau nhiều tháng Nga hối thúc.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Phát hiện thiết bị quân sự nghi là thủy lôi dạt vào bờ biển Mỹ
Phát hiện thiết bị quân sự nghi là thủy lôi dạt vào bờ biển Mỹ

Một thiết bị nổ quân sự có kích thước lớn đã trôi dạt vào một bãi biển nổi tiếng ở Florida, Mỹ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN