Nga đang mất ưu thế cạnh tranh trên thị trường vũ khí?

Bất chấp những báo cáo gần đây rằng Nga, cùng với Mỹ và Trung Quốc, là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu, “các nhà máy sản xuất trang thiết bị quân sự của Nga đang trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường vũ khí toàn cầu và buộc phải rút lui khỏi một số lĩnh vực chính”.

Ít nhất, đó là nhận định của ông Alexander Brindikov, người đứng đầu nhóm cố vấn của Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport. Cuộc cạnh tranh toàn cầu từ các quốc gia sử dụng các công nghệ tương tự của Nga, như Ukraine và Trung Quốc, đang thách thức Moscow trên thị trường vũ khí vốn ngày càng “đông đúc”. Trước khi cuộc xung đột ở Đông Ukraine nổ ra, Kiev từng cung cấp các thành phần kỹ thuật và công nghệ cho các đối tác từ Nga, mối quan hệ được thiết lập và duy trì từ thời Xô-viết, khi mà các ngành công nghiệp quân sự chính được đặt ở Ukraine. Nhưng giờ đây, theo ông Brindikov, có những “vấn đề nội bộ” với các ngành công nghiệp đặc thù của Nga, chẳng hạn như lĩnh vực điện tử và thiết bị công nghệ cao.

“Ví dụ, các phương tiện bọc thép của Nga đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Đức, Trung Quốc và thậm chí cả Ukraine. Chúng tôi đang trở nên kém cạnh tranh hơn. Chúng tôi có những vấn đề với ngành công nghiệp quốc phòng và việc xuất khẩu vũ khí. Trong số các ngành công nghiệp mà các nhà máy chế tạo vũ khí của Nga đang gặp khó khăn để cạnh tranh là các hệ thống pháo. Chúng tôi đang ở vị trí rất tệ trong lĩnh vực này”, ông Brindikov nói.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang gặp phải một số vấn đề riêng trong việc đảm bảo doanh số bán hàng trên thị trường toàn cầu.


Mặc dù bi quan như vậy, nhưng có rất ít lý do để cho rằng các lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Nga đang bị suy giảm. Alexander Fomin, người đứng đầu cơ quan Hợp tác Công nghệ-Quân sự Liên bang Nga (FSMTC), cho biết, trong vòng 11 năm qua, xuất khẩu vũ khí của Nga đã tăng lên 3 lần. Xuất khẩu vũ khí của Nga năm 2014 đạt doanh thu hơn 15,5 tỷ USD.

Theo ông Fomin, danh mục đặt hàng quân sự gần đây của Nga ước tính đã lên tới 48 tỷ USD. Để đối phó với sự bất ổn trên toàn cầu và các cuộc xung đột ngày càng tăng, Nga đã thiết lập lại sự hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật – quân sự và ký kết các hợp đồng với Nigeria, Namibia và Rwanda. “Danh mục hợp đồng quân sự với châu Á của chúng tôi chiếm khoảng 60%, châu Phi là hơn 30%”, ông Fomin chia sẻ. Ngoài ra, Nga cũng mở rộng xuất khẩu quân sự sang Venezuela, Peru, Argentina và Brazil. Cũng theo ông Fomin, năm nay, việc xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ khó khăn hơn, vì các lệnh trừng phạt và sự vi phạm trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp, chủ yếu là với các công ty của Ukraine, và sự khan hiếm các thành phần cấu tạo.

Tuy nhiên, ông Vladimir Shvarev, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới (TSAMTO), nói với nhật báo Svobodnaya Pressa của Nga rằng ông Brindikov đã thổi phồng quá mức về việc Nga thực sự đã mất thế cạnh tranh trên thị trường vũ khí. "Khi nói đến các phương tiện không người lái (UAV), các loại thiết bị điện tử, thông tin liên lạc..., về mặt truyền thống, chúng tôi có sự hiện diện kém cỏi trên những thị trường này. Tuy nhiên, gần đây tình hình liên quan đến UAV của Nga đang thay đổi. Ví dụ, chúng tôi đã có một số hợp đồng về máy bay không người lái hạng nhẹ. Khi nói đến hệ thống pháo binh chiến trường, Thụy Điển vẫn là nhà sản xuất truyền thống, cùng với Mỹ và Anh, mặc dù vậy, chúng tôi cũng có thị phần không hề nhỏ trong lĩnh vực này".

Ông Shvarev lưu ý rằng Nga phải lấp những khoảng trống liên quan đến các thiết bị điện tử có độ chính xác cao và sản phẩm nội địa. "Chúng tôi đã tích cực theo đuổi một chương trình để thay thế nhập khẩu. Đặc biệt, động cơ máy bay trực thăng VK-2500 sản xuất trong nước sẽ thay thế động cơ nhập từ Ukraine cho tất cả các máy bay trực thăng. Tất nhiên, một sự chuyển đổi như vậy không thể không tránh khỏi sự chậm trễ nhất định".

Cạnh tranh và chất lượng

Về Trung Quốc, ông Shvarev cho rằng Bắc Kinh đang tích cực cạnh tranh với Nga trong các phân khúc thị trường, nơi mà Nga có lợi thế nhất. "Trung Quốc tăng cường hiện diện tại một số thị trường nhờ các thiết bị quân sự chi phí thấp của họ, và bằng cách dễ dàng cung cấp các khoản vay để mua các thiết bị này. Đây là sức mạnh của Trung Quốc, và tôi coi đó là những đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của chúng tôi".

Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh lớn của Nga trên thị trường vũ khí.


Trong khi đó, ông Viktor Murakhovski, Tổng biên tập của tờ Arsenal of the Fatherland, đồng thời là một thành viên của Hội đồng cố vấn cho Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp-Quân sự Nga, cũng không đồng tình với quan điểm của ông Brindikov. "Đạn pháo hải quân cỡ 130mm, 100mm và 76mm của Nga là phổ biến trên thị trường toàn cầu. Riêng Ấn Độ đã mua thêm một lô đạn của chúng tôi cho xe tăng T-90S của họ. Chúng tôi khá tự tin khi nói đến thị trường quốc tế mà theo truyền thống sử dụng đạn và nguồn cung từ Nga”, ông Murakhovsi nói và cho biết thêm rằng tình hình Ukraine gần như không có ảnh hưởng đến xuất khẩu vũ khí của Nga.

Khi được hỏi liệu Ukraine có là đối thủ cạnh tranh lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Nga hay không, ông Murakhovski phát biểu: "Hiện nay mọi người muốn hủy tất cả hợp đồng với Ukraine. Kiev mới đây đã quyết định chấm dứt một hợp đồng với nước Cộng hòa Dân chủ Congo về việc cung cấp 50 xe tăng T-64BM1M được hiện đại hóa. Theo tôi được biết, hợp đồng của họ với Thái Lan nhằm cung cấp các xe tăng chiến đấu chủ lực Oplot đang gặp khó khăn - quân đội Thái Lan được cho là sẽ thay thế xe tăng đã lỗi thời M41 do Mỹ chế tạo bằng xe tăng của Ukraine".

Theo ông Murakhovski, ngành công nghiệp quân sự của Ukraine đã cạn kiệt và rõ ràng nó bị tổn thương lớn kể từ khi cuộc xung đột ở miền đông nước này bùng phát, mặc dù vẫn còn hy vọng rằng Kiev có thể xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng của họ và xuất khẩu vũ khí sau khi chấm dứt chiến sự.

Công bằng mà nói, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã gặp phải một số vấn đề riêng trong việc đảm bảo doanh số bán hàng trên thị trường toàn cầu. Trước đây, Algeria từ chối nhận một lô hàng máy bay chiến đấu Mig-29 của Nga do chất lượng kém. Trong thực tế, vấn đề chất lượng như vậy là nghiêm trọng, buộc chính phủ Nga phải mua lại lô hàng này để giúp các nhà sản xuất Mig tránh khỏi nguy cơ phá sản. Nga cũng gặp một số khó khăn với khách hàng truyền thống của họ là Ấn Độ khi Moskva bán và hiện đại hóa một tàu sân bay cũ thời Liên Xô cho New Delhi.

Khi nhận xét về Trung Quốc, ông Murakhovski chia sẻ: "Mặc dù thực tế rằng Bắc Kinh đứng ở vị trí thứ ba thế giới trong việc xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự, nhưng họ vẫn ở khoảng cách khá xa so với chúng tôi. Chúng tôi đang bị cạnh gắt gao, nhưng chủ yếu là ở những thị trường mà người mua bị hạn chế về ngân sách. Bắc Kinh đang tích cực thu hẹp khoảng cách và từ chối tham gia vào một loạt các thỏa thuận bù đắp (offset agreement). Nhưng tôi cũng phải nói rằng Trung Quốc đồng ý với các điều khoản mà Nga sẽ không bao giờ đồng ý".


Công Thuận (Theo R.C.D)
Nga giải mật tài liệu về những ngày đầu Thế chiến 2
Nga giải mật tài liệu về những ngày đầu Thế chiến 2

Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên công bố trên trang web riêng tài liệu độc đáo về những ngày đầu của Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN