Binh sĩ từ 6 quốc gia thành viên NATO gồm Hà Lan, Ba Lan, Mỹ, Đức, Canada và Estonia tham gia cuộc tập trận tại Drawsko Pomorskie, Ba Lan ngày 23/1. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trên đây là tuyên bố ngày 31/1 của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg với báo giới sau cuộc hội đàm với tân Tổng thống Bulgaria Rumen Radev tại trụ sở của tổ chức quân sự này ở Brussels (Bỉ).
Nhà lãnh đạo NATO cho biết trong cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, hai bên đều nhất trí quan điểm nói trên, đồng thời cho rằng phương Tây cần một cuộc đối thoại chính trị (với Nga) để loại bỏ căng thẳng, nhưng phải có vị thế lớn hơn.
Tổng Thư ký Stlotenberg cũng cho biết những động thái nhằm tăng cường sự hiện diện của NATO ở Đông Âu và khu vực Biển Đen là nhằm tạo thế cân bằng trước những hành động mà NATO cho là quyết liệt của Nga trong các quan hệ quốc tế.
Về phần mình, Tổng thống Bulgaria Radev cho rằng việc tăng cường sức mạnh quân sự của NATO cần tiến hành đồng thời với việc thiết lập các cuộc đối thoại chính trị sâu sắc với Nga. Đây là điều kiện hết sức cần thiết, giúp tránh được thế đối đầu với Nga.
Hiện nay, NATO đã bắt đầu triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia với khoảng 6.000 binh sĩ tại các nước Baltic và Ba Lan, khu vực gần biên giới với LB Nga. NATO cũng xây dựng các kho vũ khí ở khu vực biên giới, trong đó có các trang thiết bị vũ khí hạng nặng, đề phòng trường hợp xảy ra xung đột cục bộ.
Dọc khu vực biên giới với Nga, Belarus và Ukraine cũng đã thành lập 8 ban tham mưu địa phương, với nhiệm vụ quản lý, bố trí lực lượng quân sự ở khu vực này trong trường hợp xảy ra xung đột. Ngoài ra, trong tương lai gần,Mỹ cũng sẽ triển khai lữ đoàn xe tăng tại Ba Lan.
Theo kế hoạch, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO vào ngày 15-16/2 tới tại Brussels, các nước NATO sẽ hoàn tất kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đen.
Hồi tháng 9/2014, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales, Mỹ đã thúc đẩy thông qua quyết định tăng ngân sách quân sự bắt buộc của các nước thành viên NATO tại châu Âu lên đến 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chủ yếu dành cho mục tiêu trang bị các loại khí tài quân sự hiện đại, do các tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Mỹ cung cấp.