Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Brussels (Bỉ), ông Rutte chia sẻ: “Giữa các đồng minh luôn có những vấn đề - mọi thứ không phải lúc nào cũng êm đẹp và suôn sẻ. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tình trạng này sẽ không cản trở quyết tâm chung của chúng tôi về việc duy trì sức mạnh răn đe”.
Tổng thống Trump đã khiến một số đối tác thân cận nhất của Washington bị sốc khi quyết định áp thuế với Canada - quốc gia thành viên NATO, và đe dọa sẽ thực hiện chính sách tương tự đối với Liên minh châu Âu (EU). Hành động nhắm vào các đồng minh của Mỹ càng làm suy giảm thêm niềm tin vào cam kết của “Xứ cờ hoa” sau khi ông Trump từng gây nghi ngờ về thiện chí bảo vệ châu Âu. Ngoài các mối đe dọa về thương mại, người đứng đầu Nhà Trắng còn gây áp lực đối với Đan Mạch - một quốc gia thành viên khác của NATO, thông qua tuyên bố sẽ kiểm soát vùng lãnh thổ Greenland của nước này.
Khi được hỏi liệu châu Âu có nên lập kế hoạch tự vệ mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ hay không, Tổng Thư ký Rutte phản bác rằng việc hình dung NATO không có vai trò then chốt của Mỹ là “suy nghĩ ngớ ngẩn”. Theo ông, hệ thống phòng thủ châu Âu “sẽ vô hiệu” nếu thiếu Mỹ. Người đứng đầu NATO nhấn mạnh: “Một NATO, hay bất cứ cái tên nào mà tổ chức này khi đó được gọi, sẽ không trụ vững nếu không có Mỹ, vì nhiều lý do... Việc tốt nhất mà phương Tây có thể làm là đoàn kết, và tôi biết tư duy này vẫn chiếm ưu thế ở Mỹ, kể cả tại Nhà Trắng”.
Ông Rutte cũng tìm cách xoa dịu mong muốn thâu tóm Greenland của Tổng thống Trump bằng cách đề xuất NATO nên đóng vai trò lớn hơn trong công cuộc tăng cường phòng thủ tại khu vực Bắc Cực. Tổng Thư ký NATO nêu rõ: “Tôi cho rằng điều rất hữu ích là Tổng thống Trump đã cảnh báo chúng ta về việc có một vấn đề địa chính trị và chiến lược đang diễn ra ở vùng Bắc Cực... Với tư cách một liên minh, chúng tôi sẽ luôn tìm cách tốt nhất để đảm bảo khả năng giải quyết những thách thức đó”.