Nếu kế hoạch này được thực hiện, số lượng binh lính Mỹ tại châu Âu sẽ giảm từ 100.000 xuống còn 80.000. Động thái này đang gây lo ngại cho các đồng minh NATO trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết Tổng thống Trump không chỉ dự định giảm hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu mà còn yêu cầu các quốc gia trong khu vực tăng cường đóng góp tài chính để duy trì lực lượng Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng lực lượng binh lính Mỹ đóng vai trò răn đe quan trọng và chi phí này không thể chỉ do ngân sách từ người dân Mỹ đảm nhận.
Thông tin này đưa ra trong bối cảnh Nga gia tăng áp lực đối với các quốc gia NATO do sự hỗ trợ quân sự mà liên minh này dành cho Ukraine. Moskva đã nhiều lần ám chỉ khả năng thực hiện các biện pháp đáp trả nhằm vào các thành viên NATO, đã đặt ra thách thức lớn đối với an ninh khu vực châu Âu.
Từ lâu, Tổng thống Trump đã kêu gọi các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, đề xuất nâng mức chi từ 2% GDP lên 5%. Trước đó, trong phát biểu ngày 7/1, ông khẳng định các nước châu Âu hoàn toàn có khả năng đáp ứng mức chi tiêu này và cần đóng góp nhiều hơn để đảm bảo an ninh khu vực.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk là một trong số ít lãnh đạo châu Âu công khai ủng hộ đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của Tổng thống Trump. Ông nhấn mạnh rằng châu Âu cần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực an ninh để ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga, coi đây là một khoản đầu tư cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo khác tỏ ra thận trọng hơn. Ông Nicolas Pascual de la Parte - cựu Đại sứ Tây Ban Nha tại NATO, nhận định rằng châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào sự bảo vệ quân sự của Mỹ, đặc biệt là khả năng răn đe hạt nhân. Ông cảnh báo rằng việc Mỹ giảm hiện diện quân sự có thể tạo ra những khoảng trống lớn, buộc các thành viên NATO tại châu Âu phải đảm nhận thêm trách nhiệm tài chính và chiến lược.
Cựu Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto kêu gọi các quốc gia châu Âu nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách quốc phòng. Ông lưu ý rằng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số lượng vũ khí và lực lượng quân sự tại châu Âu đã giảm đáng kể, khiến khu vực này trở nên dễ bị đe dọa hơn trước những thách thức an ninh mới.
Động thái rút quân của Mỹ có thể tạo ra áp lực lớn đối với NATO trong việc tái cân bằng trách nhiệm và nguồn lực giữa các thành viên. Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại The Hague được kỳ vọng sẽ là dịp để các thành viên thảo luận về mục tiêu chi tiêu quốc phòng cao hơn và cách ứng phó với các thách thức an ninh mới.
Trong khi đó, ông Trump tiếp tục thúc giục các nước châu Âu không chỉ tăng chi tiêu quốc phòng mà còn đóng góp tài chính cho các binh lính Mỹ còn lại tại khu vực. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo khả năng áp thuế quan đối với EU để đáp trả thâm hụt thương mại, làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống.
Việc Mỹ xem xét rút quân khỏi châu Âu đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của NATO và vai trò của Mỹ trong việc duy trì an ninh khu vực. Các thành viên NATO châu Âu sẽ phải chuẩn bị các biện pháp cụ thể để đối phó với những thay đổi tiềm tàng trong cấu trúc an ninh xuyên Đại Tây Dương.