Nước NATO đầu tiên tuyên bố đáp ứng yêu cầu chi 5% GDP cho quốc phòng của ông Trump

Trong một động thái nhằm củng cố quốc phòng, Litva (Lithuania) đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức từ 5 - 6% GDP, bắt đầu từ năm 2026, đáp ứng tối hậu thư của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Chú thích ảnh
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 21/3/2024. Ảnh: Gettty Images/TTXVN

Quyết định này được Tổng thống Litva Gitanas Nausėda xác nhận vào ngày 17/1, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về mức độ mạnh bạo của Liên bang Nga trong khu vực, đặc biệt khi căng thẳng với Moskva vẫn cao còn cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp tục mà chưa thấy hồi kết.

Với cam kết đạt mức chi tiêu 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, Litva, quốc gia Baltic có biên giới giáp với tỉnh Kaliningrad của Liên bang Nga, sẽ trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầu tiên đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng mới do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất.

Chính sách mới cũng sẽ biến Litva, nước hiện đã chi 3% GDP cho quốc phòng, trở thành quốc gia chi tiêu cho quốc phòng cao nhất NATO tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, vượt qua Ba Lan – hiện đang dẫn đầu với 4,12% GDP dành cho quốc phòng trong năm 2024 và dự kiến tăng lên 4,7% trong năm nay.

Tại sao Litva tăng ngân sách quốc phòng?

Ông Trump từ lâu đã chỉ trích các thành viên NATO không đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng, gần đây tuyến bố các thành viên NATO nên chi 5% GDP cho ngân sách quốc phòng, thay vì 2% như hiện nay.

Tại cuộc họp báo hôm 7/1, ông Trump nói: "Tất cả họ đều có khả năng chi trả được, con số nên ở mức 5%, không phải 2%. Châu Âu chỉ nhận bỏ ra số tiền nhỏ so với chúng ta. Có một thứ gọi là đại dương ở giữa chúng ta và họ, đúng không? Tại sao Mỹ phải chi nhiều hơn hàng tỉ USD so với châu Âu”.

Lời kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP của ông Trump đang gây ra làn sóng phản ứng trái chiều từ các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu.

Trong khi các nước Baltic nhiệt liệt ủng hộ, nhiều cường quốc Tây Âu cho rằng con số này "không thể đạt được".

Cam kết mới của Litva rõ ràng phù hợp với lời kêu gọi của Tổng thống đắc cử Mỹ về việc đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng và quyết định này cũng phản ánh sự thay đổi trong khu vực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trước những hành động mạnh bạo của Liên bang Nga.

Xem video hoạt động chiến đấu của các đơn vị tên lửa phòng không vào ngày 15/1/2025 nhằm đối phó với cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Liên bang Nga. Nguồn: Bộ Tư lệnh Không quân Miền Tây-Bộ Quốc phòng Ukraine/X

Động thái này, được Tổng thống Nausėda mô tả là một “quyết định lịch sử,” đã được Hội đồng Quốc phòng Nhà nước, cơ quan an ninh hàng đầu của Litva, phê duyệt.

Ngoài việc bảo vệ biên giới, Litva dự kiến hiện đại hóa năng lực quân sự bằng nguồn ngân sách bổ sung.

Bộ trưởng Quốc phòng Dovilė Šakalienė xác nhận rằng các nguồn lực bổ sung sẽ được sử dụng để đẩy nhanh việc mua sắm vũ khí tiên tiến, bao gồm xe tăng Leopard, hệ thống phòng không và các thiết bị thiết yếu khác.

Litva sẽ chi tiêu ngân sách quốc phòng tăng thêm như thế nào?

Khoản đầu tư này sẽ cho phép Litva thực hiện các khoản thanh toán trước và đẩy nhanh việc giao các tài sản quân sự quan trọng, giúp nâng cao đáng kể khả năng sẵn sàng và răn đe của nước này.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận rộng hơn về tương lai của NATO và vai trò của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho liên minh.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Với việc Litva đi tiên phong, các thành viên NATO khác có thể noi theo, tăng ngân sách quốc phòng khi họ đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng về an ninh châu Âu trong thời kỳ Liên bang Nga gia tăng sức mạnh.

Vấn đề chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ được thảo luận chi tiết tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO tại The Hague vào tháng 6 tới.

Theo số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Mỹ hiện chiếm 68% tổng chi tiêu của NATO với 916 tỷ USD trong năm 2023, trong khi các quốc gia thành viên châu Âu chỉ đóng góp 28%. Mỹ chi khoảng 3,4% GDP cho quốc phòng, cao hơn nhiều so với hầu hết các đồng minh châu Âu.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Newsweek/Politico)
Tin nóng thế giới sáng 18/1/2025
Tin nóng thế giới sáng 18/1/2025

Bản tin nóng thế giới sáng 18/1/2025 có những nội dung sau đây:
- Chủ tịch Trung Quốc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump;
- Nước NATO đầu tiên tuyên bố đáp ứng yêu cầu chi 5% GDP cho quốc phòng của ông Trump;
- Nga tuyên bố giành lại phần lớn lãnh thổ bị Ukraine chiếm đóng tại Kursk;
- Israel họp nội các về thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN