Theo kênh CNN, tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ), ông Jens Stoltenberg nói: “Đó là một con số kỷ lục nữa và tăng gấp 6 lần so với năm 2014 khi chỉ có 3 thành viên đạt được mục tiêu này”.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người sẽ tái tranh cử vào tháng 11, đã tiếp tục chỉ trích về vấn đề chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO vào cuối tuần trước. Tại một cuộc vận động tranh cử, ông tuyên bố sẽ khuyến khích Nga làm bất kỳ điều gì họ muốn với bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào không đáp ứng được các nguyên tắc chi tiêu cho quốc phòng. Tuyên bố này ám chỉ việc sẽ bỏ điều khoản phòng thủ tập thể của NATO.
Bình luận về tuyên bố này, ông Stoltenberg nói: “Ý kiến nào cho rằng các thành viên sẽ không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn bộ an ninh của chúng ta, bao gồm cả an ninh của Mỹ, đồng thời khiến binh sĩ Mỹ và châu Âu gặp rủi ro nhiều hơn”.
Tổng thư ký NATO cũng thừa nhận rằng những lời chỉ trích về việc các thành viên không chi tiêu đủ cho quốc phòng là một quan điểm hợp lý và là một thông điệp đã được các chính quyền Mỹ truyền đi, rằng các thành viên châu Âu và Canada phải chi tiêu nhiều hơn. Ông nói: “Chúng ta chưa thấy các thành viên trong liên minh chia sẻ gánh nặng một cách công bằng”.
Để chia sẻ công bằng hơn gánh nặng đó, cách đây một thập kỷ, các thành viên NATO đã cam kết mỗi quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP.
Trong số các quốc gia đạt được mục tiêu 2% gần đây có Đức. Ngày 14/2, theo hãng tin DPA, do chi tiêu quốc phòng tăng mạnh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine 2 năm trước, chính phủ Đức thông báo sẽ phân bổ số tiền tương đương 73,41 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2024. Đây là con số kỷ lục đối với Đức kể từ năm 1992, tương đương 2,01% GDP.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Đức chưa đưa ra con số chính xác ngay lập tức, nhưng đầu tuần này, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố các doanh nghiệp quốc phòng nước này có thể tin tưởng vào việc chính phủ tăng chi tiêu quân sự và sẽ đạt mục tiêu chi cho quốc phòng bằng 2% GDP mà NATO đã đặt ra.
Thủ tướng Scholz cho rằng ngành quốc phòng của Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU) cần phải chuyển sang chế tạo vũ khí trên quy mô lớn vì cuộc chiến ở Ukraine đã chứng tỏ các nhà sản xuất của EU gặp khó khăn trong nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu về đạn dược.
Nhìn chung, các thành viên châu Âu của NATO dự kiến chi 2% tổng GDP cho quốc phòng lần đầu tiên trong năm nay.