Mỹ 'hồi sinh' cả một hạm đội để đối trọng lực lượng với Nga

Hải quân Mỹ dự kiến sẽ “tái sinh” lại cả một hạm đội nhằm mục đích chống khủng bố và đối trọng với lực lượng của Nga tại Bắc Đại Tây Dương.

Đô đốc Hải quân Mỹ John Richardson ngày 4/5 đã thông báo về quyết định này tại Norfolk, bang Virginia. Đô đốc Richardson nêu rõ: “Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ đã vạch rõ rằng chúng ta đang quay trở lại thời kỳ cạnh tranh sức mạnh lớn khi môi trường an ninh ngày càng nhiều thách thức và phức tạp. Đó là lý do ngày hôm nay, chúng ta thiết lập lại Hạm đội Hai để giải quyết những thay đổi này, đặc biệt ở Bắc Đại Tây Dương”.

Mỹ đã quyết định tái thành lập Hạm đội Hai sau 7 năm "đóng băng" lực lượng này. Ảnh: RT

Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ mà Đô đốc Richardson nhắc tới đã được Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thiết kế và công bố trong tháng 1. Chiến lược này “phác họa” về một Lầu Năm Góc hướng nhiều hơn về các đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Khi còn hoạt động, Hạm đội Hai chịu trách nhiệm trong khu vực phía Nam và Bắc Đại Tây Dương. Sau khi bị giải tán năm 2011, những nhân sự và tài sản thuộc Hạm đội Hai được sáp nhập vào Lực lượng Hạm đội Mỹ (USFF) tại Norfolk.

Theo Viện Hải quân Mỹ, Hạm đội Hai sẽ được tái thiết lập trong ngày 1/7 với dự kiến nhân sự gồm 11 sĩ quan và 4 quân nhân. Số nhân sự này sau đó sẽ mở rộng thành 85 sĩ quan, 164 quân nhân và 7 nhân viên dân sự.

Hạm đội Hai sau khi được “hồi sinh” sẽ chỉ tập trung hoạt động tại Bắc Đại Tây Dương, trong khi khu vực Nam Đại Tây Dương đã được chuyển giao cho Hạm đội Bốn trong năm 2008. Lý do khiến Mỹ quan tâm sát sao tại khu vực Đại Tây Dương chỉ tập trung duy nhất vào mục tiêu Nga.

Chuẩn Đô đốc James Foggo III, chỉ huy Hạm đội Sáu trong năm 2016 từng viết: “Tàu ngầm Nga đang xuất hiện tại Đại Tây Dương, kiểm tra khả năng phòng vệ của Mỹ”. Ông Foggo đang nắm giữ vị trí chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi.


Kênh RT (Nga) cho biết mặc dù quy mô của Hải quân Nga có giảm so với thời Liên Xô cũ nhưng lực lượng này ngày nay lại có khả năng tiềm ẩn. Trong tháng 3, Đô đốc Foggo từng bày tỏ lo ngại khi thừa nhận một số tàu ngầm hạt nhân của Nga đã tiếp cận bờ biển phía Đông của Mỹ mà không hề bị phát hiện.

Các chiến hạm và tàu ngầm của Hải quân Nga đã tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria từ tháng 10/2015. Sự kiện điều động đáng chú ý nhất của Hải quân Nga diễn ra trong tháng 11/2016 liên quan tới tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và tàu tuần dương Pyotr Veliky. Đến tháng 6/2017, Nga tuyên bố sẽ duy trì lực lượng 15 chiến hạm tại phía Đông Địa Trung Hải.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Chuyển động hậu Thượng đỉnh liên Triều, Mỹ-Trung nỗ lực hóa giải bất đồng thương mại
Thế giới tuần qua: Chuyển động hậu Thượng đỉnh liên Triều, Mỹ-Trung nỗ lực hóa giải bất đồng thương mại

Trong tuần qua, thông tin về những diễn biến hậu hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 cũng như cuộc đàm phán về tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là những đề tài được báo chí quốc tế quan tâm đăng tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN