Litva và Estonia ký thỏa thuận 'bước ngoặt' về lính Mỹ

Trong một phần kế hoạch tăng cường quân sự lớn nhất từ thời Chiến tranh Lạnh của NATO, Litva và Estonia vừa ký thỏa thuận với Mỹ để điều chỉnh sự hiện diện và thỏa thuận khung trong việc triển khai binh sĩ và các vũ khí hạng nặng của Mỹ trên lãnh thổ hai nước Baltic này.

Đầu tháng 1/2017, Mỹ đã đưa hàng trăm phương tiện quân sự tới Đức để tăng cường tiềm lực quân sự cho châu Âu. Ảnh: Reuters

Ngày 17/1 tại Estonia, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Margus Tsahkna và Đại sứ Mỹ tại nước này James Melville đã ký kết thỏa thuận trên. Qua trang Twitter chính thức, ông Tsakha miêu tả động thái như là bước đi mang tính “bước ngoặt”.

Bên cạnh đó, Đại sứ Melville tuyên bố, ngoài việc tạo khung pháp lý thì thỏa thuận còn cho phép hai nước tham gia hàng loạt hoạt động quân sự chung.

Cùng ngày, một thỏa thuận tương tự cũng được ký kết giữa Bộ trưởng Quốc phòng Litva Raimundas Karoblis và Đại sứ Mỹ tại nước này Anne Hall. Ông Karoblis phát biểu sau lễ ký kết: “Cho phép tôi chúc mừng tất cả mọi người về thỏa thuận mà tôi coi như nền móng cho đối tác chiến lược an ninh và quốc phòng Litva – Mỹ”.

Thỏa thuận song phương được xem là “lần đầu tiên” tập trung vào việc cho phép sự hiện diện của chuyên gia quân sự Mỹ và các thành viên gia đình, cùng với việc Mỹ có quyền sử dụng các căn cứ của quân đội Litva. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực ngay khi được Quốc hội Litva thông qua.

Vào ngày 16/1 vừa qua, ông Karoblis cũng đã thảo luận về khả năng quân đội Pháp sẽ hiện diện ở Litva với Đại sứ Pháp Philippe Jeantaud tại nước này. Pháp đồng ý sẽ đóng góp quân cho một đơn vị đa quốc gia tại Litva bắt đầu vào năm 2018. Đại sứ Pháp cho rằng nước này “sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường tiềm lực quốc phòng” tại các quốc gia Baltic.

Tháng 7/2016, các thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng ý thỏa thuận điều quân nhiều nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, bằng việc thành lập 4 đơn vị đa quốc gia tại Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan.

Tiếp đến, đầu tháng 1/2017, hàng trăm phương tiện của Mỹ gồm xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí hạng nặng khác được tập kết tại Đức để tăng cường tiềm lực quân sự cho châu Âu. Sự tăng cường sức mạnh quân sự của NATO nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn sức ảnh hưởng của Nga tại Đông Âu.

Tuy nhiên, Nga liên tục phủ nhận các cáo buộc cho rằng Moskva là một mối đe dọa và chỉ trích việc NATO đóng quân ngay tại cửa ngõ của nước này. Đồng thời, Nga cũng mở rộng các hoạt động tập trận, trong khi tăng cường trang bị vũ khí chiến lược tại thành phố Kaliningrad nằm giáp với châu Âu.

Hoàng Trang (theo RT)
Hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Na Uy
Hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Na Uy

Ngày 16/1, khoảng 300 lính thủy đánh bộ Mỹ đã bổ bộ vào Na Uy trong đợt triển khai kéo dài 6 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN