"Việc đào tạo đã bắt đầu. Các binh sĩ đã đến Fort Sill và bắt đầu huấn luyện”, người phát ngôn Ryder phát biểu trong một cuộc họp báo khi được hỏi về việc đào tạo.
Theo đài Sputnik, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cung cấp một hệ thống tên lửa đất đối không Patriot cho Ukraine. Hệ thống vũ khí này sẽ được chuyển giao sau khi hoàn thành khóa huấn luyện. Ông Ryder cho biết khoảng 90-100 binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện trong vài tháng về cách vận hành và bảo trì hệ thống tên lửa.
Tương tự, Đức đã hứa cung cấp một hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine và Hà Lan cũng bày tỏ ý định cung cấp hệ thống này.
Phát ngôn của ông Ryder được đưa ra ngay sau khi có báo cáo cho rằng các lực lượng Mỹ cũng đã tiến hành huấn luyện quân sự cho các binh sĩ Ukraine ở Đức, trong đó được cho là bao gồm cả hướng dẫn trên thực địa và trong lớp học.
Mỹ vẫn chưa cho biết liệu tên lửa Patriot mà nước này gửi tới Ukraine sẽ được lấy từ kho dự trữ của Mỹ hay từ một địa điểm khác. Theo Politico, có khả năng quân đội Mỹ sẽ chuyển một trong các hệ thống ra khỏi kho thay vì lấy một khẩu đội từ địa điểm ở nước ngoài. Nhiều nước đang muốn có hệ thống Patriot, đặc biệt là ở Trung Đông.
Trong những tháng gần đây, các quốc gia ủng hộ Kiev ở phương Tây tập trung hỗ trợ an ninh vào phòng không trong bối cảnh Nga triển khai các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Trước thông tin Mỹ sẽ viện trợ Patriot cho Ukraine, ngày 22/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả hệ thống này là vũ khí lỗi thời mà Nga sẽ có thể chống lại. Theo tờ Kyiv Independent, ông Putin nói với các nhà báo: “Patriot là một hệ thống khá lỗi thời, nó không hoạt động tốt như tên lửa đất đối không S-300 của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tính đến điều này. Đó chỉ là một cách để kéo dài xung đột... Họ muốn cung cấp Patriot. Hãy để họ cung cấp, chúng tôi sẽ đập vỡ chúng như hạt dẻ”. Theo ông Putin, các hệ thống tên lửa của Nga có thể đối phó với Patriot.
Bình luận về việc Mỹ cung cấp Patriot cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ càng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay và là điều không có lợi cho Ukraine.
Đầu tháng 1, Đại sứ Nga ở Mỹ Anatoly Antonov cho biết việc Lầu Năm Góc quyết định huấn luyện lực lượng Ukraine liên quan đến hệ thống tên lửa tại Fort Sill cho thấy sự tham gia trên thực tế của Mỹ trong cuộc xung đột tại Ukraine.