Lầu Năm Góc tại Washington D.C., Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Các nguồn thạo tin của Politico cho biết Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Elbridge Colby đã ra quyết định này sau khi xem xét kho dự trữ đạn dược và quan ngại rằng tổng số đạn pháo, tên lửa phòng không… đang giảm đáng kể.
Lầu Năm Góc đưa ra quyết định ban đầu về việc tạm dừng chuyển giao viện trợ vũ khí được cam kết từ thời chính quyền Tổng thống Joe Biden từ đầu tháng 6, nhưng quyết định chỉ có hiệu lực vào thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Anna Kelly cho biết quyết định này nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu sau khi Bộ Quốc phòng xem xét lại hỗ trợ và viện trợ quân sự cho các quốc gia trên khắp thế giới.
Những loại vũ khí trong nhóm bị tạm dừng chuyển giao bao gồm hệ thống phòng không Patriot, đạn pháo chính xác, Hellfire cùng các tên lửa khác mà Ukraine có thể phóng từ chiến đấu cơ F-16 và thiết bị bay không người lái.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Hà Lan vào tuần trước.
Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump thể hiện đồng cảm hơn với mục tiêu của Ukraine và không loại trừ khả năng gửi thêm hệ thống phòng không Patriot. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25/6, ông Trump nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ xem liệu có thể cung cấp một số tên lửa hay không".
Mỹ đã chuyển vũ khí phòng không và vũ khí chính xác đến Ukraine trong hơn hai năm qua thông qua hai luồng hỗ trợ khác nhau. Một số được rút từ các kho dự trữ hiện tại, đổi lại Bộ Quốc phòng Mỹ nhận tiền để bổ sung các loại đạn dược đó càng nhanh càng tốt.
Nguồn thứ hai đến từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, trong đó Washington tài trợ việc mua vũ khí cho Ukraine từ các công ty quốc phòng của Mỹ. Số tiền này được sử dụng để ký hợp đồng cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraine.
Khoản tiền trong quỹ được cam kết chi hết vào giai đoạn cuối của chính quyền Tổng thống Biden, với tiến độ giao hàng phụ thuộc vào thời điểm các hệ thống sẵn sàng. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump vẫn rút từ kho vũ khí dự trữ, sử dụng gần hết số vũ khí trị giá 61 tỷ USD để bổ sung vũ khí và viện trợ thêm hàng tỷ USD cho Israel cùng các nước đối tác khác.
Quân nhân Ukraine tại lễ chuyển giao các thiết bị quân sự và vũ khí hạng nặng tại Kiev. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
Theo một quan chức Nhà Trắng giấu tên, chính quyền Tổng thống Trump không đề xuất thêm bất kỳ khoản viện trợ nào cho Ukraine. Hiện vẫn còn đủ viện trợ từ thời chính quyền Tổng thống Biden để Ukraine có thể sử dụng thêm vài tháng nữa.
Động thái này gợi nhớ đến việc chính quyền Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu từng giữ lại 214 triệu USD viện trợ an ninh cho Ukraine mà Quốc hội đã phê duyệt hồi năm 2019. Khi đó, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) cho rằng quyết định này vi phạm Đạo luật Kiểm soát ngân sách và Tịch thu, bởi bất đồng chính sách không phải là lý do hợp pháp để chặn ngân sách đã được phân bổ.
Nếu chính quyền Tổng thống Trump hiện nay cho phép đóng băng hoặc trì hoãn cung cấp đạn dược đã được Quốc hội cấp ngân sách, mà không có thông điệp ngân sách mới trình Quốc hội, thì họ có nguy cơ mắc sai phạm tương tự.
Trong một diễn biến đáng chú ý, lực lượng Không quân Ukraine cho biết tổng cộng 477 thiết bị bay không người lái cùng 60 tên lửa các loại đã nhắm mục tiêu vào nước này trong đêm 28/6. Phía Ukraine đã ngăn chặn được 475 thiết bị bay không người lái và 39 tên lửa.
Theo lực lượng Không quân Ukraine, 1 phi công lái chiến đấu cơ F-16 của nước này đã thiệt mạng và ít nhất 7 người bị thương trong loạt vụ không kích này. Ông Yuriy Ihnat, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Không quân Ukraine, nhận xét đây là “cuộc không kích quy mô lớn nhất” nhằm vào nước này, xét cả số lượng thiết bị bay không người lái và các loại tên lửa. Các cuộc tấn công nhắm vào 6 khu vực trên khắp Ukraine.