Không quân Mỹ hồi sinh chiến đấu cơ 50 năm tuổi, trao cho nhiệm vụ đặc biệt

A-10 Warthog vốn nổi tiếng là sát thủ diệt tăng, nhưng nay Không quân Mỹ lại thử nghiệm chiếc máy bay 50 tuổi này cho một nhiệm vụ khác.

Chú thích ảnh
Một chiếc A-10 Warthog. Ảnh: CNN

Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết trong các cuộc tập trận tại Thái Bình Dương vào đầu tháng 11, những chiếc A-10 Warthog đã được trang bị tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD.

Được mô tả là một loại tên lửa hành trình, MALD dài 2,4 m và nặng chưa đến 136 kg, có tầm bắn 804 km. MALD được trang bị Hệ thống tăng cường nhận dạng (SAS) giúp nó có thể bắt chước đặc điểm radar và hình dạng của một số chiến đấu cơ Mỹ, tạo ra sự nhầm lẫn cho kẻ địch. Ngoài ra, biến thể MALD-J còn được bổ sung thêm thiết bị gây nhiễu.

A-10 Warthog có nhiệm vụ phóng một loạt MALD trước một cuộc không kích của Mỹ để khiến kẻ địch nhầm lẫn về số lượng máy bay đang đến và đến từ đâu.

Theo xác nhận của Không quân Mỹ, một chiếc A-10 có thể chở theo 16 MALD, tương đương sức chứa của B-52 và gấp 12 lần so với tiêm kích F-16.

Điều thú vị là MALD không được coi như công cụ để bảo vệ chiếc A-10 mà thay vào đó phi cơ quân sự này tận dụng MALD để hỗ trợ các chiến đấu cơ khác, như F-35, F-22…

Đại úy Daniel Winningham, phi công hướng dẫn bay B-1B của Phi đội ném bom số 37 nhận định: “Chiếc A-10 thông qua mồi nhử MALD sẽ tăng khả năng các chiến đấu cơ và vũ khí của chúng ta tấn công thành công mục tiêu”.

A-10 Warthog được thiết kế trong thập niên 1970 với vai trò máy bay quân sự tấn công mặt đất. Chiếc phi cơ này có tầm hoạt động ấn tượng 1.126 km và có khả năng xa hơn nữa nếu được tiếp liệu trên không. Yếu tố này có thể hữu dụng, đặc biệt là khi hoạt động ở khu vực rộng lớn như Thái Bình Dương.

Trong nhiều năm, Mỹ dự định cho A-10 “về hưu”. Tuy nhiên, khi quân đội Mỹ chuyển hướng tập trung sang Thái Bình Dương, nhiều ý kiến cho rằng A-10 khá thích hợp, đặc biệt là khi được trang bị tên lửa tầm xa.

Trong cuộc tập trận Green Flag-West vào tháng 11, một điều đáng chú ý khác là những chiếc A-10 được huấn luyện để hỗ trợ cả Hải quân Mỹ, với vai trò diệt hạm.

Hà Linh/ Báo Tin tức (Theo Business Insider)
Cơ hội nào cho đàm phán hoà bình kết thúc xung đột Nga – Ukraine?
Cơ hội nào cho đàm phán hoà bình kết thúc xung đột Nga – Ukraine?

Vòng đàm phán cuối cùng giữa Nga và Ukraine tiến hành ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3/2022, nhưng được bắt đầu với "màn chào đón lạnh lùng" và kết thúc không kết quả. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có tuyên bố hiếm hoi về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN