Hé lộ góc khuất về nút hạt nhân ‘không thể đảo ngược’ của Tổng thống Mỹ

Nếu một Tổng thống Mỹ quyết định tấn công hạt nhân, mệnh lệnh được chuyển đến một nhân viên túc trực Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia ở Lầu Năm Góc. Vị tướng một sao ở đây sẽ thực hiện mệnh lệnh trong khoảng một phút.

Chú thích ảnh
Một trợ lý quân sự cầm vali hạt nhân đi trong khuôn viên Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images

Trong tình huống khẩn cấp nhất, một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên mặt đất sẽ khai hỏa sau hai phút. Tên lửa phóng từ tàu ngầm sẽ khai hỏa trong thời gian 15 phút.

Như chúng ta vẫn biết, động thái đó đủ để gây ra một cuộc chiến hủy diệt thế giới. Tổng thống có toàn quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Một khi mệnh lệnh được đưa ra và xác nhận, sẽ không có cách nào để đảo ngược nó.

Cuốn sách mới mang tên "Peril" của hai tác giả Bob Woodward và Robert Costa làm việc tại tòa soạn báo The Washington Post đã hé lộ những góc khuất về quyền kiểm soát và chỉ huy hạt nhân ở Mỹ. "Peril" mô tả về một cảnh tượng xảy ra vào ngày 8/1 khi Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, triệu tập các sĩ quan quân đội cấp cao để xem xét về các thủ tục phóng vũ khí hạt nhân.

Tướng Milley thừa nhận rằng một mình tổng thống có thể hạ lệnh tấn công, song nói với các quan chức rằng bản thân vị tướng này cũng phải can dự vào. “Nhìn thẳng mắt từng người, ông Milley đề nghị các sĩ quan xác nhận họ hiểu lời ông nói”, hai tác giả viết.  

Cuộc họp diễn ra hai ngày sau khi những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump khi đó tấn công Đồi Capitol để cố gắng ngăn cản tiến trình công nhận ông Joe Biden là người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020. 

Tướng Mark Milley khi đó đang tự tham gia vào quá trình phóng hạt nhân, với lo ngại rằng ông Trump có thể tự ra lệnh tấn công. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân chính là “cố vấn” quân sự quan trọng cho Tổng thống, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng nhưng không nằm trong chuỗi chỉ huy. 

"Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân không chịu trách nhiệm về việc thực hiện chính sách quân sự theo lệnh của tổng thống", Carrie Lee, Chủ nhiệm Khoa chiến lược và an ninh quốc gia tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Quân đội Mỹ cho biết.

Chú thích ảnh
Một chỉ huy phi hành đoàn chiến đấu tên lửa thực hành các quy trình tại Căn cứ Không quân Vandenberg. Hai phút sau khi có lệnh, tên lửa Minuteman III sẽ được bắn từ hầm chứa. Ảnh: Reuters

Chuỗi chỉ huy hạt nhân xuyên suốt từ tổng thống tới sĩ quan trực chiến tại phòng chiến tranh và đến các trung tâm điều khiển phóng của bộ ba hạt nhân gồm ICBM, tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo cùng máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.

Ngày 28/9, Tướng Milley nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng ông đã nhận được cuộc gọi từ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào ngày 8/1, hỏi về khả năng phóng vũ khí hạt nhân của tổng thống.

“Tôi đã giải thích với bà ấy rằng tổng thống là người có thẩm quyền phóng hạt nhân duy nhất nhưng ông ấy không thể phóng chúng một mình. Có các quy trình, giao thức và thủ tục được đưa ra. Tôi đã nhiều lần đảm bảo với bà ấy rằng không có khả năng xảy ra một vụ phóng bất hợp pháp, chưa được cấp phép hoặc ngoài ý muốn”, vị tướng 63 tuổi kể lại. 

Ông Milley thừa nhận với các nhà lập pháp rằng ông không nằm trong chuỗi chỉ huy, nhưng với tư cách là cố vấn quân sự chính của tổng tư lệnh, ông nằm trong chuỗi liên lạc. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân là một phần của quá trình nhằm đảm bảo tổng thống được thông tin đầy đủ khi định đoạt việc sử dụng vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, khi một tổng thống cân nhắc tấn công hạt nhân, quy trình tiêu chuẩn sẽ là mở cuộc họp khẩn cấp với Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và các cố vấn quân sự khác để đánh giá tình hình cũng như xem xét các nguy cơ trả đũa của một cuộc tấn công như vậy.

Tổng thống có thể không tổ chức cuộc họp này hoặc chỉ tổ chức với những người mà tổng thống cho rằng sẽ đồng ý với quyết định của mình. Đây có thể là viễn cảnh mà ông Milley lo sợ.

Vào ngày 8/1, Mỹ không có Bộ trưởng Quốc phòng do Tổng thống Trump đã sa thải ông Mark Esper hai tháng trước đó. Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia, được chọn làm quyền bộ trưởng. 

Chú thích ảnh
Tàu ngầm USS Alaska của Mỹ có thể phóng tên lửa vào mục tiêu trong vòng 15 phút sau khi nhận lệnh. Ảnh: U.S. Navy

Một tổng thống quyết định tấn công hạt nhân sẽ truyền đạt ý định này thông qua thiết bị được gọi là "bóng đá hạt nhân" - chiếc vali do một phụ tá quân sự luôn mang theo gần nhà lãnh đạo. Tổng thống có thể chọn mục tiêu từ một cuốn sách chứa đầy các kế hoạch chiến tranh đã được chuẩn bị sẵn. Nếu mục tiêu dự kiến không có trong sách, Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, hay STRATCOM, sẽ nhanh chóng chuẩn bị một kế hoạch thay thế.

Khi đưa ra quyết định, tổng thống xác thực với các quan chức Lầu Năm Góc bằng cách sử dụng đoạn mã ghi trên tấm thẻ bí mật được gọi là "bánh quy". Sau khi mệnh lệnh được đưa ra, vũ khí được khai hỏa.

“Không ai có thể phủ quyết lệnh phóng vũ khí hạt nhân của tổng thống trừ khi nó bất hợp pháp”, Vipin Narang, Giáo sư về an ninh hạt nhân và khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, giải thích. Một cuộc tấn công bị coi là bất hợp pháp nếu nó vi phạm luật quốc tế về xung đột vũ trang. Nhưng bất kỳ kế hoạch nào nằm trong cuốn sách chiến tranh của Lầu Năm Góc đều được các luật sư xem xét và được coi là hợp pháp.

"Nếu tổng thống thức dậy vào một buổi sáng và nói: 'Tôi muốn phóng một tên lửa vào trung tâm Manhattan'. Điều đó rõ ràng là không cần thiết và bất hợp pháp", một nguồn tin quốc hội cho biết.

Trong trường hợp như vậy, nhân viên trực ban tại Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia có thể từ chối tuân thủ, với lý do rằng sĩ quan đó thiếu thẩm quyền hợp pháp để thực hiện kế hoạch đó.

Nguồn tin quốc hội cho biết, những gì Tướng Milley có thể đã đề xuất là để sĩ quan trực ban “giữ chân” tổng thống, mở cuộc họp và đưa ông Milley vào cuộc, đặc biệt khi mệnh lệnh này không phù hợp với các mối đe dọa toàn cầu được giám sát trong phòng chiến tranh. 

Làm chậm quá trình này có thể là một cách để hạn chế lệnh tấn công hạt nhân tự phát. Trong một cuộc điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện năm 2017, Giáo sư Peter Feaver tại Đại học Duke đã thảo luận về hai kịch bản tấn công: một là chủ đích của quân đội và hai là chủ đích của ông chủ Nhà Trắng. 

Nếu quân đội báo cáo tình hình với tổng thống và cảnh báo về cuộc tấn công sắp xảy ra, hệ thống này sẽ thực hiện mệnh lệnh mà ông đưa ra. Các cử tri đã chọn ông để đưa ra quyết định đó. 

Nhưng nếu tổng thống đề xuất kích hoạt vũ khí hạt nhân, nhiều người sẽ đặt câu hỏi về bối cảnh của mệnh lệnh này cũng như lý do tại sao nó lại cần thiết. Giáo sư Feaver nói: “Ông ấy sẽ cần nhiều người phối hợp để khiến vụ tấn công xảy ra, và họ sẽ hỏi những câu hỏi có thể làm chậm quá trình đó”.

Những quy tắc và chuẩn mực hiện tại là “tàn tích” từ thời Chiến tranh Lạnh, khi tổng thống phải đối mặt với khả năng đưa ra các quyết định nhanh chóng để đáp trả các tên lửa Liên Xô đang lao tới. Họ không cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đưa ra quyết định vô lý hay có tính khí thất thường.

Tại Quốc hội, đã có những lời kêu gọi hạn chế quyền lực của tổng thống. Một dự luật do Thượng nghị sĩ Edward Markey và Hạ nghị sĩ Ted Lieu (đều thuộc đảng Dân chủ) đề xuất sẽ cấm tổng thống tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên mà không có tuyên bố chiến tranh của Quốc hội.

"Chúng ta không thể tiếp tục trao cho một người thứ sức mạnh để kết thúc sự sống trên hành tinh của chúng ta", Thượng nghị sĩ Markey phát biểu hồi tháng 1. Nhưng quá trình tuyên chiến do Quốc hội giám sát lại có thể kéo dài nhiều tuần, không phù hợp để phản ứng với các mối đe dọa sắp xảy ra.

Một ý tưởng khác lại cho rằng tổng thống cần chia sẻ quyền hành với những người khác, có thể là phó tổng thống và người đứng đầu Hạ viện - hai cá nhân đầu tiên trong danh sách kế nhiệm tổng thống. Một lựa chọn khác yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Quốc phòng tham gia quyết định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện và Bộ trưởng Tư pháp lại không nhất thiết có chuyên môn về vũ khí hạt nhân. Họ cũng không thường xuyên được báo cáo tóm tắt về các mối đe dọa an ninh mà quốc gia này phải đối mặt.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Nikkei)
Cơ hội lớn cho vaccine COVID-19 của Cuba, Ấn Độ tại các nước đang phát triển
Cơ hội lớn cho vaccine COVID-19 của Cuba, Ấn Độ tại các nước đang phát triển

Trong bối cảnh các quốc gia giàu có tích trữ vaccine COVID-19 của các hãng nổi tiếng như Pfizer, Moderna hay AstraZaneca để tiêm mũi tăng cường, các nước nghèo đã quay sang chọn những loại vaccine ít tên tuổi hơn của Cuba, Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN