Trang tin politico.eu mới đây dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, các nước phương Tây sẵn sàng bảo vệ Ukraine bằng các đảm bảo an ninh nhưng Kiev không thể hưởng mức độ bảo vệ tương tự như các nước thành viên NATO.
Các quốc gia như Mỹ, Anh, Đức và Pháp đã bắt đầu thảo luận với Ukraine về cách đảm bảo rằng cả Nga và Ukraine đều tôn trọng một thỏa thuận hòa bình tiềm năng sau xung đột để không xảy ra cuộc chiến tương tự.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của các nhà lập pháp tại Hạ viện Đức, ông Scholz nói rằng rõ ràng những đảm bảo an ninh như vậy cho Ukraine sẽ không tương ứng với Điều 5 của Hiệp ước NATO.
Thủ tướng Đức đã đề cập đến điều khoản phòng vệ lẫn nhau của NATO, trong đó nói rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia NATO sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên. Trên thực tế, điều Điều 5 là một biện pháp bảo vệ chính, đặc biệt là đối với các quốc gia dễ bị tổn thương hơn như ở khu vực Baltic. Có nghĩa là, ví dụ, Mỹ sẽ can thiệp bằng tất cả sức mạnh quân sự của mình nếu họ bị tấn công - đóng vai trò như một biện pháp răn đe mạnh mẽ.
Nhận xét mới của ông Scholz dường như cho thấy rằng Ukraine cũng sẽ không thể trông chờ vào sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của NATO trong tương lai. Các nước NATO đã gián tiếp hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến với Nga bằng cách gửi xe tăng, pháo và các loại vũ khí khác, nhưng họ đã thận trọng đảm bảo không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Thủ tướng Scholz nói với các nhà lập pháp Đức rằng các đảm bảo an ninh cho Ukraine phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể, nhưng không cung cấp thêm chi tiết, lập luận rằng đây là một quá trình còn lâu mới hoàn thiện và do đó chưa thể cụ thể hóa.
Ông Scholz cũng gợi ý rằng phương Tây nên sử dụng các biện pháp trừng phạt hiệu quả cao nhằm vào Moskva, có thể được dỡ bỏ hoặc giảm bớt nếu Nga đồng ý với một thỏa thuận hòa bình hợp lý với Ukraine, và khôi phục các biện pháp hạn chế này "nếu có vi phạm" đối với thỏa thuận hòa bình.