Đức kích hoạt hệ thống phòng không, xây dựng 'lá chắn' phòng thủ châu Âu

Ngày 4/9, quân đội Đức đã đưa hệ thống phòng không Iris-T đầu tiên vào hoạt động trên lãnh thổ nước này.

Chú thích ảnh
IRIS-T SLM được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới. Ảnh: DW

Hệ thống này cũng nằm trong gói viện trợ vũ khí mà Đức đã hứa chuyển giao cho Ukraine vào tháng 11/2023 để đánh chặn tên lửa, thiết bị bay không người lái và tên lửa của Nga.

Trong một tuyên bố ngày 4/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hệ thống đất đối không này là một phần trong kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ của Đức và châu Âu được triển khai sau khi xung đột Ukraine nổ ra vào năm 2022.

“Nga tái vũ trang ồ ạt trong nhiều năm, đặc biệt là trong lĩnh vực tên lửa và tên lửa hành trình”, Thủ tướng Scholz phát biểu tại lễ khánh thành căn cứ ở Todendorf gần thành phố Hamburg.

Cũng trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Đức cho hay Nga đã phá vỡ các hiệp ước giải trừ vũ khí và triển khai tên lửa tới tận Kaliningrad - một vùng đất ngoài lãnh thổ Nga nằm cách Berlin khoảng 530 km.

Theo Thủ tướng Scholz, hệ thống phòng không này là một phần của Sáng kiến ​​Lá chắn Bầu trời châu Âu, trong đó cũng bao gồm các hệ thống phòng thủ tầm xa chống lại tên lửa đạn đạo.

Quân đội Đức đã đặt hàng 6 hệ thống Iris-T SLM với tổng chi phí 1 tỷ USD từ nhà sản xuất Diehl Defense. Những hệ thống này sẽ được giao vào tháng 5/2027.

Đức, nước đóng góp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, đã cung cấp 4 hệ thống Iris-T SLM cho Ukraine và cam kết mua thêm 8 hệ thống khác.

Các hệ thống Iris-T được gửi tới Ukraine có các bệ phóng gắn trên xe tải có khả năng phóng các tên lửa để đánh chặn các mối đe dọa trên không ở phạm vi lên tới 40 km.

Theo nhà lãnh đạo Đức, cho đến nay, các hệ thống Iris-T ở Ukraine đã bắn hạ hơn 250 tên lửa, thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình, “cứu được vô số sinh mạng".

Đối với châu Âu, ngoài hệ thống phòng thủ, các nước cũng cần các tên lửa có độ chính xác cao hơn của riêng mình để rút ngắn khoảng cách nguy hiểm với Nga trong lĩnh vực quan trọng chiến lược này.

Hồi tháng 7, Washington và Berlin thông báo về việc triển khai từng đợt tên lửa tầm xa của Mỹ, bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk, tới Đức sẽ bắt đầu vào năm 2026.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)
Lý do khiến sáng kiến 'Lá chắn Bầu trời châu Âu' gây tranh cãi?
Lý do khiến sáng kiến 'Lá chắn Bầu trời châu Âu' gây tranh cãi?

Kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ kiểu Vòm sắt (Iron Dome) của châu Âu tiếp tục gây tranh cãi sau khi Đức chọn hợp tác với một nhà sản xuất vũ khí của Israel để chế tạo loại vũ khí trị giá hàng tỷ euro chủ lực của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN