Được nhất trí thành lập vào năm 2022 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu bao gồm 21 quốc gia thành viên, trong đó có Vương quốc Anh, Hà Lan, Ba Lan, Hy Lạp và Phần Lan. Trong khuôn khổ sáng kiến, các thành viên đồng ý hợp tác trong quy trình mua sắm, bảo trì và sử dụng các hệ thống phòng thủ để hỗ trợ lẫn nhau.
Theo lời giới thiệu trên trang web chính thức của sáng kiến, các vũ khí mới sẽ được tích hợp vào sứ mệnh hiện có của NATO nhằm bảo vệ lãnh thổ liên minh trước bất kỳ mối đe dọa hoặc tấn công từ trên không hoặc tên lửa nào. Trọng tâm của sáng kiến này là Arrow 3, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ-Israel có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa.
Hệ thống vũ khí này đã chứng minh được năng lực của mình gần đây nhất khi Israel sử dụng nó để bắn hạ tên lửa Iran nhắm vào họ sau cuộc tấn công vào tòa nhà đại sứ quán Iran ở Syria hồi đầu năm nay.
Trong một tuyên bố hồi tháng 7, người phát ngôn của Bộ quốc phòng liên bang Đức nói với Euronews Next rằng việc mua sắm vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch và không có gì thay đổi, bất chấp những đồn đoán cho rằng thương vụ có thể bị gián đoạn vì vũ khí có liên quan đến xung đột Gaza.
Trước đó, ngày 28/9/2023, quốc hội Đức đã thông qua một thỏa thuận hợp tác trị giá 4 tỷ euro với Công ty Hàng không Vũ trụ Israel (IAI), một bộ phận của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), nhằm cung cấp hệ thống phòng thủ Arrow 3 của nước này. Chín ngày sau, phong trào Hồi giáo Hamas phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, khơi mào chiến tranh ở Gaza, gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại dải đất bị phong tỏa của người Palestine.
Thỏa thuận Arrow 3 đã được Quốc hội Đức chính thức hóa vào tháng 11 cùng năm.
Theo tài liệu quảng cáo của IAI, Arrow 3 là dòng tên lửa đánh chặn có chức năng “giám sát, phát hiện, theo dõi và tiêu diệt” các cuộc tấn công sắp tới bằng hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động. IAI tuyên bố Arrow 3 là hệ thống phòng thủ hợp lý nhất hiện có.
Theo ông Shay Gal, phó chủ tịch quan hệ đối ngoại của IAI trả lời tờ Defense News trong tuần này, công ty đã tăng ca và thuê thêm công nhân để lắp đặt hệ thống Arrow 3 ở Đức vào năm tới.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) không có quyết định nào về việc ngừng nhập khẩu hoặc xuất khẩu vũ khí sang Israel do xung đột với Hamas, bất chấp lời kêu gọi cấm vận vũ khí từ Liên hợp quốc, 1.500 công chức EU và chính phủ Bỉ. Người phát ngôn của EU cho biết mọi quyết định xuất khẩu vũ khí đều do từng quốc gia thành viên đưa ra.
Lá chắn Bầu trời sẽ hoạt động ra sao?
Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu sẽ có ba cấp độ phòng thủ tên lửa: tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.
Các công ty Đức Rheinmetall và Diehl Defense lần lượt là nhà sản xuất chính của hệ thống phòng thủ Skyranger 30 tầm ngắn và IRIS-T tầm trung.
Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Liên bang Đức, công ty Raytheon của Mỹ sản xuất hệ thống phòng thủ tầm xa Patriot. Tên lửa này sẽ được chế tạo ở châu Âu.
Theo IAI, hệ thống Arrow 3 có thể bảo vệ các quốc gia khỏi mọi loại tên lửa. Đây là hệ thống duy nhất dành cho Sáng kiến Bầu trời mà EU đang mua từ Israel.
Trên trang web Rheinmetall, Skyranger 30 là một dòng hệ thống phòng thủ mặt đất di động cho phép các lực lượng giám sát các cuộc tấn công từ trên không và trên mặt đất cùng lúc. Đức đã chốt hợp đồng ban đầu trị giá 600 triệu euro cho tối đa 49 chiếc Skyranger 30 với Rheinmetall. Áo cũng quyết định trang bị 36 hệ thống phòng không này. Bên lề hội nghị Eurostatory vào tháng 6, Đan Mạch và Hungary đã ký một thỏa thuận với Đức về việc mua chung Skyranger 30 cho quân đội nước mình.
Về phần tên lửa tầm trung, IRIS-T là tên lửa tầm trung sử dụng công nghệ hồng ngoại để xử lý hình ảnh các cuộc tấn công sắp tới.
Một khẩu đội của IRIS-T có ba bệ phóng gắn trên xe tải với tám tên lửa mỗi bệ, tất cả đều có tầm bắn 40 km, cùng với một thiết bị chỉ huy riêng biệt theo dõi tất cả tên lửa cùng một lúc.
IRIS-T là một trong những hệ thống phổ biến hơn với Estonia, Latvia, Slovenia và Đức. Một trong đơn hàng lớn nhất đối với loại tên lử này là thỏa thuận mua sắm chung trị giá 600 triệu euro do Latvia và Estonia ký kết. Các phương tiện truyền thông cho biết Litva và Áo cũng đang xem xét việc mua hệ thống IRIS-T.