Theo ông Bryen, lực lượng này đã được triển khai để hỗ trợ Lữ đoàn cơ giới độc lập số 54 của Ukraine tại thành phố Slavyansk. Các binh sĩ Pháp được rút ra từ Trung đoàn bộ binh số 3, một trong những thành phần chính của Quân đoàn nước ngoài của Pháp.
Hiện giới chức Pháp chưa bình luận về vấn đề này.
“Những đội quân này đang được bố trí trực tiếp tại khu vực chiến đấu nóng và nhằm mục đích giúp Ukraine chống lại những bước tiến của Nga ở Donbass. 100 người đầu tiên là chuyên gia pháo và trinh sát”, ông Bryen cho biết thêm.
Theo ông, khoảng 1.500 binh sĩ Quân đoàn nước ngoài của Pháp dự kiến tới Ukraine trong thời gian tới.
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đặt câu hỏi rằng liệu điều này có vượt lằn ranh đỏ của Nga về sự can dự của NATO vào Ukraine hay không, và liệu Nga có coi đây là hành động khơi mào một cuộc chiến rộng hơn ngoài biên giới Ukraine hay không.
Trước đó hôm 5/5, tờ La Repubblica của Italy đưa tin rằng NATO đã thiết lập ít nhất hai lằn ranh đỏ, để nếu tình hình vượt quá những giới hạn đó, NATO sẽ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Nguồn tin nói rằng, NATO coi những lằn ranh đó là giải pháp cuối cùng trong bối cảnh phương Tây lo ngại nguy cơ phòng tuyến của Ukraine sụp đổ trước làn sóng tấn công của Nga.
Lằn ranh đỏ đầu tiên được cho là liên quan đến sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp của nước thứ ba, ví dụ Belarus, vào cuộc xung đột Ukraine. Ở kịch bản này, Nga có thể đã chọc thủng các tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine gần biên giới Ukraine - Belarus.
Lằn ranh đỏ thứ hai được cho là có liên quan đến hành động khiêu khích quân sự có thể xảy ra đối với Ba Lan hoặc các nước vùng Baltic hoặc các hành động quân sự chống Moldova.
Nếu một trong hai lằn ranh đỏ này bị vượt qua, NATO không loại trừ khả năng triển khai khoảng 100.000 quân đồn trú ở Hungary, Ba Lan, các nước vùng Baltic, Romania và Slovakia.
Song ở thời điểm hiện tại, NATO không có kế hoạch gửi lực lượng quân sự tới Ukraine.
Đầu tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa từ chối loại trừ khả năng NATO điều quân từ châu Âu tới Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với The Economist hôm 2/5, ông Macron nêu ra hai điều kiện để đưa quân tới Ukraine gồm Nga đột phá trên tiền tuyến và yêu cầu của Kiev.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng tuyên bố của ông Macron là “rất nguy hiểm”. Tuyên bố này cũng bị giới chức ở Anh, Pháp, Hungary, Italy và Slovakia chỉ trích.